Chưa khi nào kể từ ngày Đà Nẵng trực thuộc Trung ương đến nay, huyện Hòa Vang được đầu tư lớn như thời gian này. 8 tháng đầu năm 2013, hơn 530 tỷ đồng (kể cả 113 tỷ đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ) đã đầu tư cho kết cấu hạ tầng và sản xuất, nâng tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn từ năm 2009 đến nay lên hơn 1.140 tỷ đồng.
Tuy vậy, trong sự đổi thay như thấy được từng ngày về kết cấu hạ tầng, vẫn còn đó không ít nỗi trăn trở về thu nhập và đời sống của đại bộ phận người dân khu vực này. Vừa qua, sau khi rà soát đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho rằng, với mức thu nhập 18,75 triệu đồng/người/năm ở khu vực nông thôn như hiện nay chỉ bằng 40% thu nhập của thành phố. Mức thu nhập này khá thấp so với nhiều địa phương trong cả nước, trong khi nông thôn Đà Nẵng có nhiều lợi thế làm giàu hơn các địa phương khác.
Có thể thấy rằng, xây dựng nông thôn mới, lĩnh vực kết cấu hạ tầng triển khai không mấy khó khăn. Bởi chỉ cần có vốn đầu tư là hoàn thành kế hoạch đề ra. Duy chỉ có sản xuất, đạt mục tiêu đề ra không hề đơn giản. 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực này hơn 39 tỷ đồng, thế nhưng chưa có bước đột phá đáng kể nào về thu nhập. Thậm chí, các mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế hộ đang có xu hướng giảm so nhiều năm trước. Thời điểm này, đi trên các cánh đồng Hòa Vang, nhiều người không khỏi chạnh buồn, bởi ngoài cánh đồng lúa giống được đầu tư lớn từ dự án do Quỹ IBSA tài trợ, hầu hết lúa hè thu bị sâu bệnh, chuột gây hại nghiêm trọng, báo hiệu năng suất không như mong muốn. Đi trên các làng quê Hòa Vang tìm được mô hình làm ăn giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm, không dễ.
Tại sao ở địa phương có tiềm năng về đất đai, hệ thống thủy nông hoàn thiện, thị trường phong phú, lực lượng lao động dồi dào, sản xuất chưa có bước đột phá để nâng cao thu nhập? Câu hỏi này không chỉ lãnh đạo các cấp ở Hòa Vang mà chính người nông dân cũng luôn trăn trở. Trước hết, phải thấy rằng, sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ đang rất phổ biến ở huyện. Rất ít nông hộ mạnh dạn đầu tư quy mô lớn. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do dồn điền đổi thửa chưa triển khai kịp thời. Khi mà mỗi hộ có đến 4-5 thửa ruộng tại nhiều cánh đồng không thể nói đến chuyện thâm canh, sản xuất quy mô lớn. Nhiều nông dân bế tắc hướng làm ăn, không dám vay vốn đầu tư phát triển kinh tế quy mô lớn. Vụ cao nhất năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, trong khi nhiều địa phương vượt qua ngưỡng 70 tạ/ha từ lâu. Nói tóm lại, sản xuất ở Hòa Vang chưa phát huy được lợi thế về tiềm năng đất đai, thị trường; năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi chậm cải thiện. Đó là chưa nói, không ít diện tích đất canh tác đang bị hoang hóa, rất lãng phí.
Công cuộc xây dựng nông thôn mới chỉ đạt mục tiêu đề ra khi đời sống, thu nhập, mức sống của người dân nâng cao, thu hẹp dần với khu vực đô thị. Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn là quan trọng, nhưng đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông hộ quan trọng hơn gấp bội. Và như vậy, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, không có cách nào khác hơn là đẩy mạnh sản xuất, đầu tư có chiều sâu và mở ra nhiều hướng làm ăn khả thi.
N.C