.

Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp

Chủ trương thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được Chính phủ ban hành từ cuối năm 2001. Từ đó đến nay mới chỉ một số ít địa phương xây dựng được mô hình này, tuy nhiên điều quan trọng là hoạt động không hiệu quả, chưa tạo ra tác động tích cực nhằm hỗ trợ các DNVVN tiếp cận vốn, mở mang sản xuất kinh doanh. Như vậy, tính khả thi của chủ trương này cần phải được xem xét lại một cách toàn diện.

Mục tiêu của quỹ bảo lãnh tín dụng là tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng trong điều kiện tiềm lực tài chính còn yếu hoặc tài sản thế chấp không đủ bảo đảm nợ, nhưng bộ máy điều hành thực sự có uy tín, doanh nghiệp có triển vọng vươn xa, sở hữu phương án kinh doanh tốt, kể cả mạnh dạn thâm nhập vào những những lĩnh vực mới, cần ưu tiên khuyến khích nhưng đi cùng với mức độ mạo hiểm, rủi ro cao. Quỹ bảo lãnh tín dụng có vai trò đặc biệt quan trọng với tư cách là “bà đỡ” cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, giúp họ từng bước gây dựng nền tảng, củng cố nội lực, đến khi “đủ lông đủ cánh” rồi thì không nhất thiết phải dựa vào sự bảo trợ nữa mà có thể tự thân vận động, vươn ra biển lớn.

Điều nói ở trên cũng mang hàm ý rằng, doanh nghiệp không nên có tư tưởng dựa dẫm hoàn toàn vào quỹ bảo lãnh tín dụng, tuy nhiên một khi đã lọt vào “tầm ngắm” của quỹ thì uy tín doanh nghiệp sẽ tăng lên, tạo cơ hội để khai thông việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng ở quy mô lớn hơn, ngay khi không có tài sản bảo đảm. Chính vì vậy, trong số các tiêu chí căn bản để hình thành nên quỹ bảo lãnh tín dụng thì quy mô vốn điều lệ không phải là tiên quyết, mà quan trọng hơn là phải xây dựng được phương thức hoạt động đúng tôn chỉ mục đích/có tầm nhìn xa/chuyên nghiệp/hiệu quả. Hay nói khác đi, quỹ phải là nơi hội tụ những “con mắt tinh đời” có sứ mệnh tìm tòi phát hiện, hỗ trợ nâng đỡ, vun trồng cho tương lai những doanh nhân/doanh nghiệp thực sự xứng đáng.

Kinh nghiệm các nước cho thấy việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp (trong và ngoài nước) thường được xem là chức trách của chính phủ nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng và đẩy mạnh giao thương xuất nhập khẩu, thông qua các định chế tài chính mạnh, có sự bảo trợ của ngân sách. Khu vực tư nhân cũng có thể tham gia vào hoạt động này nhưng với tư cách là những tổ chức tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc tài trợ ban đầu cho các doanh nghiệp kinh doanh trên những lĩnh vực mạo hiểm, rủi ro cao nhưng tiềm năng sinh lời lớn. Nếu mỗi địa phương tỉnh, thành ở nước ta đều đua nhau thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng thì e rằng đó chỉ là phong trào hình thức, mang dấu ấn mệnh lệnh hành chính, làm phân tán nguồn lực trong khi khả năng duy trì hiệu quả hoạt động lại rất hạn chế. Biện pháp kêu gọi huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, ngân hàng… thiếu tính khả thi bởi vì động lực góp vốn hình thành quỹ cũng như hành lang pháp lý hỗ trợ cho công cụ này vẫn còn nhiều vướng mắc. Mong muốn có quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là một hướng đi đúng, tuy nhiên cách thức vận hành nhằm duy trì sự sống còn của tổ chức này để đồng hành cùng với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường hội nhập là vấn đề cần được cân nhắc kỹ.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.