.

Bút phê xin việc

Hai hôm nay, cộng đồng bàn tán sôi nổi câu chuyện Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh bút phê xin việc cho một thạc sĩ giỏi ở quận Sơn Trà nhân cuộc tiếp xúc cử tri của ông trên cương vị đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Trước hành động của Trưởng ban Nội chính Trung ương, hầu hết các ý kiến đều hoan hô và bày tỏ cảm xúc “khoái cách làm việc rất Nguyễn Bá Thanh”.

Có thể tóm lượt hành trình xin việc gian nan của cô gái này như sau: Phan Thị Trang Nhung, 26 tuổi, quận Sơn Trà là học sinh giỏi nhiều năm liền. Nhung tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, tiếp đó là tấm bằng thạc sĩ loại giỏi ngành Việt Nam học, Đại học Đà Nẵng. Tuy nhiên, từng ấy thành tích không đủ trở thành tấm vé thông hành cho cô gái này bước vào đời. Mòn mỏi chờ đợi kết quả xin việc rồi liên tục thất vọng vì bị từ chối suốt nhiều năm, hiện tại Nhung phải làm công nhân hợp đồng kiếm sống qua ngày và tiếp tục chờ cơ hội trong vô vọng. Có dịp gặp ông Nguyễn Bá Thanh trong chương trình tiếp xúc cử tri vừa qua, mẹ Nhung trình bày chuyện của con gái mình và Nhung đã được người đứng đầu Ban Nội chính Trung ương bút phê xin việc ngay lập tức.

Chưa biết bao lâu nữa Nhung có được việc làm đúng nguyện vọng và chuyên ngành của mình. Song, gia đình và bản thân Nhung rất vui mừng khi hy vọng lại được nhen lên. Trong hoàn cảnh này, có thể nói Nhung là cô thạc sĩ may mắn vì nhiều cổng trường đã khép lại trước sự nô nức vào đời để cống hiến của cô, thì vài dòng bút phê của ông Nguyễn Bá Thanh cho cô biết mình hoàn toàn không bị chối bỏ.

Nhưng cũng từ câu chuyện này lại cho thấy một thực tế đáng buồn hiện nay là đang có không ít “Trang Nhung” trong xã hội phải lao đao và bế tắc trên hành trình được làm người thầy đứng trên bục giảng. Một cô gái khác cũng trạc tuổi Nhung, cũng là thạc sĩ giỏi ngành Sư phạm và là đảng viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Cô còn rất năng nổ hoạt động đoàn thể địa phương trong vai trò Chi hội trưởng Hội Phụ nữ. Chỉ có khác, cô không may mắn như Nhung được nhận dòng bút phê đáng giá ấy mà suốt bao năm rồi vẫn lận đận tìm một chân làm giáo viên đường đường chính chính. Qua lời tâm sự của cô, hiện nay thạc sĩ giỏi nói chung, thạc sĩ giỏi ngành Sư phạm nói riêng nhiều như… lá mùa thu và cũng rụng như… lá mùa thu trên hành trình xin việc, dù không thiếu bậc này, bậc nọ kêu thiếu giáo viên. Bằng cấp đầy mình, danh hiệu rôm rả chưa chắc người sở hữu nó có thực tài, điều này phần nào là lý do khiến cho người “học giỏi” bị cơ quan, đơn vị, công ty từ chối nhận vào làm. Tuy nhiên, không ít người bằng giỏi và có năng lực thật sự nhưng cũng khốn khổ khi cầm hồ sơ đi tìm việc.

Có bao nhiêu người may mắn như Nhung và có bao nhiêu người như ông Nguyễn Bá Thanh can thiệp kịp thời chuyện xin việc cho người giỏi như dịp này? Câu trả lời hẳn là rất ít, thậm chí rất hiếm. Thế nên, những “Trang Nhung” khác trong xã hội vẫn phải đối mặt với con đường xin việc đầy mịt mờ, nếu không có sự đột phá trong đánh giá, thu nhận nhân lực ở nhiều nơi.

Sự minh bạch, công khai trong tuyển dụng nhân lực là một chính sách tốt đẹp. Nhưng trong thực tế tuyển dụng, sự minh bạch, công khai và công tâm còn để lại nhiều câu hỏi nghi hoặc. Với những ai từng trải qua cái lắc đầu khó hiểu và tức tưởi như nhân vật được nêu ở trên thì câu hỏi và sự mất niềm tin còn lớn hơn bội phần. Khi nào không nhờ quen biết, không nhờ tiền bạc, không nhờ lợi ích nhóm cá nhân mà người có năng lực vẫn đủ sức cạnh tranh tốt với người kém năng lực hơn thì lúc đó hẳn sẽ không đợi Trưởng ban Nội chính Trung ương phải bỏ công sức, thời gian giải quyết những vụ việc như thế này.

THU HOA

;
.
.
.
.
.