.

Cần tiếng nói chung về giao thông đô thị

Song hành với quá trình chỉnh trang đô thị, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã dành nhiều tâm huyết và công sức để hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Từ chỗ chỉ có trên 200 con đường có tên vào thời điểm chia tách tỉnh, đến nay thành phố Đà Nẵng đã có trên một nghìn con đường có tên. Không những có bước nhảy vọt về mặt số lượng những con đường mới được làm, những con đường cũ được nâng cấp mở rộng, mà thành phố còn chú trọng phát triển mạng lưới giao thông có độ lan tỏa bao phủ khắp thành phố từ khu vực trung tâm đến vùng ngoại ô. Đặc biệt thành phố đã có cú đột phá rất thành công khi mạnh dạn đầu tư xây dựng hàng chục chiếc cầu mới hiện đại để mở rộng không gian đô thị về hướng Nam và  hướng Đông.

Không dừng lại ở đó, thành phố cũng có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và tổ chức giao thông đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và nhất là hướng đến việc bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Từ chỗ thành phố chỉ có 2 con đường Trần Phú và Bạch Đằng là đường một chiều thì đến nay đã có thêm một số tuyến đường như Lê Lợi-Phan Châu Trinh, Nguyễn Chí Thanh… được tổ chức giao thông một chiều. Mặc dù số lượng đường một chiều của thành phố là chưa nhiều, tuy nhiên để có được con số đó là cả một cố gắng vượt qua sự phản đối của một số người dân hay đi theo thói quen và muốn giành tiện lợi về mình. Thế nhưng thực tế cho thấy việc tổ chức giao thông một chiều đã giúp cho giao thông thông suốt và an toàn hơn. Tương tự là việc thành phố tổ chức phân làn 29 tuyến đường. Hiệu quả mang lại từ việc tổ chức phân làn này là rất rõ ràng, đường phố đã thông thoáng hơn và trên hết là giảm được nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi đường. Và mới đây, thành phố đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu và vận tải công cộng khá hiện đại để hoàn thiện công tác tổ chức giao thông là một tiến bộ đáng ghi nhận.

Thế nhưng, trên thực tế, nỗ lực của thành phố từ việc xây dựng hạ tầng giao thông ngày càng hoàn chỉnh đến tổ chức giao thông thuận lợi và hợp lý hơn đã không được “đền đáp” một cách xứng đáng. Số vụ cũng như số người chết, người bị thương vì tai nạn giao thông chưa giảm đáng kể; tình trạng lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu… vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, thành phố kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền với sự tham gia của hầu hết “binh chủng” như lực lượng chức năng, cơ quan thông tin đại chúng, các hội, đoàn thể, địa phương... Tuy nhiên, hiệu quả tuyên truyền vẫn chưa cao, chưa đem lại kết quả thực sự, thể hiện qua chuyển biến về hành vi của đông đảo người dân khi tham gia giao thông chưa tích cực và thực sự vững chắc. Đó là do việc tuyên truyền thường theo “mẫu số chung” là gần như dùng chung một kịch bản, một thông điệp cho mọi đối tượng tuyên truyền; sử dụng chung một không gian cho công tác tuyên truyền như các hội nghị tổng kết, cuộc họp tổ dân phố. Hệ lụy từ cách đi theo lối mòn này là những đối tượng chấp hành khá tốt pháp luật về giao thông thì được tuyên truyền nhiều; còn đối tượng hay vi phạm như giới trẻ, lao động phổ thông, nhất là đối với dân lao động thời vụ các địa phương khác về thành phố kiếm việc lại rất ít khi tiếp cận được các thông tin tuyên truyền về an toàn giao thông.

Rõ ràng, nếu chỉ dừng lại việc xây dựng hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, tổ chức giao thông tốt mà không có sự “đồng hành” ý thức của người tham gia giao thông thì sẽ không thể có được sự thành công trọn vẹn. Để có được tiếng nói chung trong vấn đề này, thì vấn đề quan trọng là phải “sửa sai” ngay từ công tác tuyên truyền; phải tuyên truyền làm sao thực tế, cụ thể, đi vào đúng thành phần, đúng đối tượng để thực sự tạo chuyển biến về hành vi của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó phải tăng cường công tác tuần tra, hướng dẫn, xử phạt vi phạm để có tác dụng răn đe, giáo dục. Có như vậy, thì mới hy vọng tạo nên một hình ảnh giao thông đô thị an toàn và văn minh hơn.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.