.

Chung tay kiểm soát chặt chẽ ma túy

Một con số thống kê được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về lãnh đạo công tác phòng, chống ma túy (MT) trong tình hình mới diễn ra hôm qua (11-9) trên địa bàn thành phố, khiến nhiều người cần quan tâm. Đó là trong 5 năm, chỉ có 30 tin báo của quần chúng cho cơ quan Công an có giá trị về hoạt động liên quan đến MT; qua đó lực lượng Công an điều tra làm rõ 26 vụ, đang xác minh 4 thông tin còn lại.

Cần quan tâm hơn, bởi tình hình tội phạm liên quan đến MT ngày càng diễn biến phức tạp nhưng tin báo về tội phạm MT của quần chúng nhân dân trên lĩnh vực này dường như còn quá ít. Nếu so với con số 369 vụ và 674 đối tượng liên quan đến MT bị lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan bắt giữ trong 5 năm qua thì tin báo như vậy còn ở tỷ lệ thấp, chưa đến 10% so với số vụ. Trong khi đó, có đến hơn 220.000 lượt người dân tại khu dân cư, 29.000 lượt cán bộ, công chức được tuyên truyền về phòng, chống MT với nhiều hình thức khác nhau; bên cạnh việc tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, băng-rôn, biểu ngữ và các cuộc ra quân rầm rộ của các hội, đoàn thể, trường học… Trên thực tế, trong cộng đồng, đa số người dân hiểu rõ tác hại của MT đối với xã hội và mỗi gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh thành phố triển khai mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện MT trong cộng đồng”.

Ở một góc độ chuyên môn, có thể lý giải việc tỷ lệ tin báo của quần chúng liên quan đến MT ít (khoảng 6 tin mỗi năm) do tội phạm MT ngày càng phức tạp, tinh vi; đối tượng sử dụng MT trên địa bàn thành phố lén lút và kín kẽ… nên quần chúng khó phát hiện. Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận một thực tế là việc tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân vào cuộc, chung tay góp sức trên trận tuyến phòng, chống MT chưa thực sự hiệu quả, chưa đem lại kết quả thiết thực, cụ thể. Không ít người dân và cả cán bộ, công chức vẫn còn xem đây là nhiệm vụ của cơ quan chức năng như Công an, Biên phòng, Hải quan… và không loại trừ tâm lý né tránh trách nhiệm, sợ mang vạ vào thân. Ngay cả việc tham gia vận động, thuyết phục, giúp đỡ những người sau cai nghiện MT hòa nhập cộng đồng, có công việc làm ăn ở một số địa phương vẫn chưa hiệu quả, cũng xuất phát từ tâm lý này.

Có thể nói Đà Nẵng là địa phương đang kiểm soát chặt chẽ về MT dù nằm ở khu vực chịu tác động mạnh mẽ của tội phạm này; nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và đặc biệt là thiếu sự chung tay, góp sức với cơ quan chức năng trên mặt trận phòng, chống MT. Bởi, việc mua bán, tàng trữ, sử dụng MT ngày càng tinh vi, phức tạp và tác động trực tiếp tới mỗi gia đình, không loại trừ bất cứ thành phần xuất thân, tuổi tác… Đặc biệt, việc sử dụng MT dưới nhiều hình thức ngày càng dễ dàng hơn với sự xuất hiện của MT tổng hợp và chất gây nghiện trong tân dược. Theo thống kê, hiện có khoảng 90% đối tượng bị phát hiện mới có sử dụng MT tổng hợp; năm 2007 trên địa bàn thành phố hầu như chưa xuất hiện người nghiện MT tổng hợp nhưng đến tháng 7-2013 đã chiếm 67,24% trong tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý; 84% đối tượng phạm tội liên quan MT ở độ tuổi từ 18-35 tuổi. 5 năm qua, thành phố tiếp nhận và đưa vào cai nghiện 2.539 lượt người nghiện, tăng hơn 1.276 lượt người so với giai đoạn 2003-2007...

Những con số cụ thể đó cho thấy, mặc dù đang được kiểm soát chặt chẽ, nhưng MT đang có nguy cơ và điều kiện “vào từng ngõ, gõ từng nhà”. Vì thế, trên mặt trận phòng, chống MT, cần có sự chung tay thực sự và hiệu quả của toàn xã hội, của mỗi công dân; đừng bao giờ xem MT sẽ chừa gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị… của mình ra khi mình không “can dự” đến nó.

Có như vậy, thì việc kiểm soát tình hình MT mới thực sự bền vững; việc thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện MT trong cộng đồng” mới thực sự đạt hiệu quả; từ đó góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng một Đà Nẵng thực sự thân thiện, an bình và đáng sống.

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.