.

Chuyện buồn đến bao giờ?

Việc 6 công nhân tăng ca làm việc quá sức đến ngất xỉu tại Công ty TNHH Việt Nam Knitwear (đường số 3 Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) vừa qua khiến nhiều người không khỏi xót xa. Công nhân bị buộc làm tăng ca 17 giờ/ngày, trong khi quy định chỉ cho phép làm việc tối đa 12 giờ/ngày, thì kiệt sức là điều dễ hiểu.

Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với hơn 340 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 70.000 lao động. Theo nhìn nhận của nhiều cán bộ trong ngành LĐ-TB&XH, trong nhiều công việc, may mặc luôn là công việc vất vả, thời vụ và mức lương thấp nhất, nên cũng là ngành có công nhân tăng ca nhiều nhất.

Có doanh nghiệp cho rằng, tăng ca hay không là do công nhân tự nguyện chứ doanh nghiệp đâu có ép. Thực tế là tăng ca hay không luôn có sự thỏa thuận đôi bên. Tuy nhiên, không có người lao động nào muốn làm việc một ngày quá 8 tiếng với mức lương không đủ trang trải cuộc sống (chứ chưa dám nói đến tích lũy), thì họ buộc phải tăng ca để có thêm thu nhập.

Nếu được thấy bữa ăn của công nhân - nhiều khi chỉ là gói mì tôm hay đậu phụ chấm mắm - thì mới hiểu vì sao họ tăng ca. Nếu được nghe chuyện có công nhân tích cóp trong nhiều năm dành dụm chỉ để một lần về thăm quê xa mới thấy những đồng tiền tăng ca được đổi bằng mồ hôi, nước mắt ấy ý nghĩa biết chừng nào… Tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước, tiền học cho con…, tất tật đều trông vào đồng lương còm cõi của công nhân.

Theo thống kê, mức lương bình quân của công nhân Đà Nẵng hiện nay chỉ khoảng từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, hầu hết công nhân là lao động phổ thông, nhập cư ngoại tỉnh nên ngoài chi phí chung cho sinh hoạt thì tiền thuê nhà, điện, nước, họ phải trả cao hơn khoảng 30% so với người dân địa phương. Hằng năm, Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu của người lao động khối doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp buộc phải tăng lương để thu hút lao động. Tuy nhiên, so với đà tăng giá, mức lương tối thiểu này vẫn không bảo đảm được mức sống tối thiểu đối với người lao động. Bởi vậy, họ không có sự lựa chọn nào hơn là tăng ca. Với họ, tăng ca cũng là công việc làm thêm chân chính bằng sức lao động hơn nhiều hình thức “làm thêm” khác vi phạm pháp luật.

Chuyện công nhân tăng ca, làm việc quá sức đến ngất xỉu xảy ra tại một công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng có nhiều điều phải suy ngẫm. Phải chăng bên cạnh việc thu hút, mời gọi nhà đầu tư đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta cũng cần có thêm quy định, ràng buộc để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên đất nước Việt Nam đều phải tôn trọng luật pháp nước sở tại, cũng như thực hiện đúng quy định của Chính phủ về tiền lương, thời gian lao động và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp đối với người lao động, bất kể đó là doanh nghiệp trong hay ngoài nước. Nếu vi phạm điều đó, họ cần phải bị xử lý nghiêm.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.