.

Cơ hội khám, chữa bệnh của phụ nữ nghèo

Bệnh viện Phụ nữ (BVPN) ra đời cách đây hơn 4 năm với một nhiệm vụ quan trọng là ngoài việc khám, chữa bệnh cho mọi đối tượng phụ nữ thì ưu tiên bậc nhất là chăm sóc sức khỏe, tầm soát bệnh cho chị em nghèo thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, số lượt bệnh nhân là phụ nữ nghèo đến BVPN năm ngoái chỉ chiếm hơn 4% tổng số bệnh nhân tại đây (1.793/42.738). 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này còn đáng ngại hơn với chỉ khoảng 3,5% (698/19.738).

BVPN là cơ sở y tế khác biệt với tất cả các bệnh viện khác (ngoài BV Ung thư Đà Nẵng) khi được xây dựng bằng nguồn hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, phụ nữ toàn thành phố đóng góp 2,3 tỷ đồng trên tổng chi phí đầu tư 75 tỷ đồng. Chính vì đây là mô hình bệnh viện công ích với vai trò chính yếu lo cho sức khỏe phụ nữ nghèo, nên có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc vì sao phụ nữ nghèo ít đến đây khám và điều trị bệnh? Đà Nẵng có 30.000 phụ nữ nghèo, nếu số chị em này chọn hoặc được chọn nơi đây thì BVPN làm “tẹt ga” không hết việc chứ không phải trong tình trạng công suất sử dụng giường bệnh và tổng số lượt khám BHYT ngoại trú năm 2012 đều giảm so với năm 2011.

Có ý kiến cho rằng, viện phí của BVPN cao là nguyên nhân khiến người nghèo ngại đến. Đó chỉ là lời đồn thổi bởi BVPN thực hiện chế độ miễn giảm rất lớn đối với bệnh nhân diện này. Cụ thể, với đối tượng phụ nữ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (cực nghèo theo danh sách của Sở LĐ-TB&XH), BVPN miễn 100% số viện phí còn lại sau khi BHYT thanh toán. Với hộ nghèo và thoát nghèo được cấp thẻ BHYT người nghèo (mã đối tượng “HN”), sau khi BHYT thanh toán, số viện phí còn lại sẽ được BVPN tiếp tục giảm 80%. Lấy ví dụ tổng viện phí của bệnh nhân là 1 triệu đồng, BHYT thanh toán 200.000 đồng, còn 800.000 còn lại sẽ được bệnh viện giảm tiếp 80%, tức giảm 640.000 đồng. Bệnh nhân nghèo chỉ cần đóng 160.000 đồng. Trong trường hợp bệnh nhân có truyền máu điều trị hoặc bị ung thư vú, ung thư phụ khoa thì sẽ được miễn 100%, bất kể là phụ nữ cực nghèo, nghèo hay vừa thoát nghèo. Đây được coi là chính sách chưa có tiền lệ dành cho bệnh nhân nghèo. Từ khi thành lập đến nay, BVPN đã miễn giảm gần 4 tỷ đồng cho phụ nữ nghèo.

Mấu chốt vấn đề được đánh giá là ở khâu chuyển viện từ trạm y tế tuyến xã, phường. Các trạm y tế chỉ chuyển bệnh nhân đến bệnh viện công hoặc lên đến tuyến quận, huyện là hết. Thế nên, nhiều phụ nữ nghèo không có cơ hội được chuyển lên BVPN khám và điều trị.

Vừa qua, tại buổi làm việc giữa Thường trực HĐND, Ban Văn hóa-Xã hội thành phố với BVPN, có ý kiến đề nghị UBND thành phố, Sở Y tế thành phố có động thái tháo gỡ nút thắt này để bệnh nhân nghèo ngoài việc được tuyến dưới chuyển lên bệnh viện quận, huyện thì có thể được chuyển thẳng đến BVPN. Đây cũng là trăn trở của nhiều người khi mong muốn làm sao số bệnh nhân nghèo thực sự biết và gửi niềm tin khi đến BVPN.

BVPN mang sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo. Vậy nên con số 4% hay 3,5% người nghèo đến khám và điều trị trên tổng số bệnh nhân chưa thể khẳng định giá trị cốt lõi của bệnh viện này nếu không có sự thay đổi.

TOÀN VÂN
 

;
.
.
.
.
.