Một số dịch bệnh đã gần như trở nên “quen mặt” khi cứ đến hẹn lại bùng phát như: sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM). Dù không còn lạ với những bệnh dịch này, nhưng người dân và cả ngành y tế chưa thể chủ động phòng bệnh hiệu quả, mà chủ yếu vẫn bị động chữa bệnh. Số ca mắc năm sau không thua kém năm trước, thậm chí cao hơn và dự báo còn bùng phát hơn. Số ca SXH năm nay cao nhất so với nhiều năm trở lại đây là một ví dụ.
Lý do cho việc khó kiềm chế những dịch bệnh này là gì? Ngành y tế cho rằng do người dân còn chủ quan trong phòng bệnh. Điều này không sai. Thực tế qua khảo sát, cơ quan chức năng đã ghi nhận sự lơ là, thiếu ý thức thực hành phòng bệnh trong một bộ phận không nhỏ dân chúng, nhất là ở khu vực đã và đang có ổ dịch. Mặc dù thừa biết SXH do bọ gậy, lăng quăng sinh ra, đồng thời cũng thừa biết làm cách nào để diệt những mối nguy hại này, nhưng người dân vẫn “nuôi” chúng ngay trong nhà và quanh khu vực mình sinh sống. Hoặc nếu có thì hành động diệt bọ gậy, loăng quăng chỉ diễn ra một vài lúc nào đó chứ không thường xuyên, liên tục. Trong khi đó, những sinh vật này chỉ cần điều kiện thuận lợi như có nước đọng khoảng hai ngày là đủ sinh sôi, phát triển…
Tuy nhiên, nếu cho rằng lý do chủ yếu khiến dịch khó được khống chế do người dân còn chủ quan phòng bệnh thì e rằng chưa thỏa đáng. Trên tất cả, cơ quan chức năng, ngành y tế phải là đơn vị chịu trách nhiệm cao nhất về những diễn biến của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, trong các báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố thời gian qua, cơ quan chức năng nêu nguyên nhân khách quan khiến dịch khó được kiểm soát do thời tiết đang vào mùa biến đổi thất thường. Cách đặt vấn đề này khá mơ hồ và cũng khó có thể từ đó tìm được giải pháp.
Năm nào chẳng có mùa mưa, mưa thì có nước đọng, đây là điều bình thường. Còn nếu do biến đổi khí hậu tạo thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản, thì càng cần phải đặt vấn đề thêm. Biến đổi khí hậu không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu. Vậy sao các nước khác không bùng phát hay thường xuyên xuất hiện bệnh dịch như tại Việt Nam?
Nói đến dịch bệnh đang bùng phát trong thời gian qua, ngành y tế, cơ quan chức năng chủ yếu chỉ nhắc đến SXH và TCM. Trong khi đó, bệnh đỏ mắt cũng đang lây lan nhanh trong cộng đồng nhưng chưa được đề cập cấp thiết như hai bệnh dịch trên. Có lẽ SXH và TCM là những bệnh có nguy cơ tử vong cao nên được quan tâm hơn cả. Tuy vậy, đỏ mắt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống con người và tác động không nhỏ đến xã hội. Vì vậy, vẫn rất cần sự đánh giá đúng vai trò dập dịch đỏ mắt nữa. Điều này có nghĩa, không đợi có nguy cơ tử vong mới được coi là dịch bệnh đáng quan tâm xử lý nhất.
Thêm một vấn đề khác trong công tác phòng dịch, đó là Đà Nẵng vốn tự hào khi có đội ngũ cộng tác viên y tế khá hùng hậu, cụ thể là chúng ta có đến 1.800 cộng tác viên phòng chống SXH trong cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng nhiều chưa hẳn đủ để yên tâm. Có chị là cộng tác viên phòng chống SXH. Bản thân chị cũng là bệnh nhân mắc bệnh này đầu tiên trong khu vực chị sinh sống. Đã vậy, nhìn các hộ dân sát nhà, chị cứ thản nhiên coi SXH như chuyện đâu đâu khi nước đọng, ao tù, bọ gậy, lăng quăng khắp mọi nơi và “múp rụp” (theo lời của một lãnh đạo Sở Y tế thành phố trong quá trình khảo sát) đủ hiểu khả năng tuyên truyền và sức tác động của cộng tác viên này ra sao...
THU HOA