Cuối tuần qua, ngành Du lịch thành phố cũng như chính quyền quận Ngũ Hành Sơn có một động thái được xem là tích cực khi cương quyết siết lại trật tự trong hoạt động du lịch ở Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn - một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố.
Đó là xây dựng các phương án cụ thể, phân công nhiệm vụ rạch ròi cho các đơn vị, cá nhân liên quan trong giải quyết tình trạng bu bám, chèo kéo khách, gây mất trật tự giao thông lẫn văn minh đô thị, đặc biệt là giải quyết dứt điểm tình trạng bán hàng không niêm yết giá. Danh sách khoảng 40 người thường xuyên có hành vi chèo kéo, cò mồi, bu bám để bán sản phẩm mỹ nghệ cũng đã được liệt kê để cơ quan chức năng và chính quyền địa phương theo dõi và có giải pháp căn cơ hơn như vận động, tuyên truyền, giải quyết việc làm…
Việc vào cuộc giải quyết tình trạng chèo kéo, bu bám du khách và bán hàng không niêm yết giá để thuận lợi cho “chặt chém” không phải đến bây giờ và ở Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn mới được đề cập. Ở một điểm đến du lịch khác của Đà Nẵng là đỉnh đèo Hải Vân, chính quyền quận Liên Chiểu và các cơ quan chức năng cũng vào cuộc, nhất là khi tình trạng chèo kéo trở nên phức tạp, gây mất ổn định về an ninh trật tự và ảnh hưởng đến hình ảnh Đà Nẵng trong mắt du khách. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm cũng tái diễn ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào sự có mặt của lực lượng làm nhiệm vụ.
Nói điều đó để thấy rằng, trong cách làm du lịch của Đà Nẵng, khái niệm trách nhiệm đi đôi với quyền lợi của cộng đồng vẫn chưa được phát huy một cách có hiệu quả. Vì vậy, dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, chặt chém, bu bám, chèo kéo… làm “phiền lòng khách đến, buồn lòng khách đi” vẫn còn diễn ra, chưa được giải quyết một cách triệt để. Theo phản ánh của chính quyền quận Ngũ Hành Sơn, ngay cả các hộ kinh doanh đá mỹ nghệ cũng tiếp tay cho các đối tượng cò mồi, chèo kéo, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch tại đây.
Trong phát triển du lịch gần đây, đã xuất hiện khái niệm phát triển du lịch bền vững, trong đó lấy mục tiêu bảo vệ môi trường là trọng tâm. Bên cạnh môi trường thiên nhiên, thì cũng cần quan tâm đến bảo vệ môi trường xã hội, môi trường văn hóa; đặc biệt là phát huy trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong hoạt động du lịch, lấy du lịch “nuôi” cộng đồng và cộng đồng giữ gìn môi trường du lịch. Nhiều mô hình du lịch phát triển theo chiều hướng này được ưa chuộng và góp phần vào việc thúc đẩy du lịch bền vững ngày càng đi vào hiện thực.
Để làm được điều đó, quan trọng là phải tuyên truyền, vận động mỗi người dân và du khách phải có ý thức trong bảo vệ môi trường du lịch - từ môi trường thiên nhiên đến môi trường xã hội, môi trường văn hóa. Ý thức đó không chỉ gắn với những hành động bắt buộc theo quy định, quy ước tạo thành thói quen, mà phải làm sao cho cộng đồng thấy mình được hưởng lợi ngay từ giá trị sản phẩm du lịch, để từ đó họ thấy được kết quả từ thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, khi được hưởng lợi trực tiếp từ các thương hiệu, sản phẩm du lịch, thì người dân tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của nó, chứ không cần đến sự can thiệp theo kiểu “đẩy đuổi” của chính quyền và cơ quan chức năng. Việc tái diễn tình trạng chèo kéo, bu bám, chặt chém… du khách khi không có sự can thiệp của cơ quan chức năng, cũng là do người dân chưa thấy hết được giá trị mang đến từ việc bảo vệ hình ảnh du lịch từ cộng đồng.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Điều đó đã được xác định một cách rõ ràng và có sự đầu tư, khai thác một cách đúng hướng, đem lại những kết quả cụ thể. Vấn đề quan trọng là làm sao mỗi người dân thấy được chủ trương đó và tham gia một cách có trách nhiệm vào xây dựng môi trường du lịch thực sự thân thiện, văn minh. Du lịch sống được trong lòng cộng đồng, thì đó mới là du lịch bền vững!
ANH QUÂN