.

Đừng đổ cho thiếu luật

Trong quá trình tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, nhiều cử tri ở Đà Nẵng bày tỏ bức xúc trước vấn nạn tham nhũng, nhất là trước tình trạng dư luận về tham nhũng nhiều nhưng vụ việc phát hiện và xử lý thì ít, nhiều vụ án tham nhũng chưa được giải quyết đến nơi đến chốn…

Bức xúc này là có cơ sở, bởi không chỉ nhìn vào thực trạng giàu nhanh có dấu hiệu bất minh của một số cán bộ, công chức trong đời sống thường ngày chung quanh người dân, mà cả trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 vừa diễn ra cũng đã đánh giá: Tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng với biểu hiện tinh vi, phức tạp trên nhiều lĩnh vực; nhiều vấn đề bức xúc được những người có trách nhiệm, cả vị đứng đầu Quốc hội, đã “xới” lên như phát hiện sai phạm nhiều nhưng xử lý ít, có tình trạng bao che, dung túng cho tham những, kể cả việc đặt vấn đề có tham nhũng hay không trong chính lực lượng phòng, chống tham nhũng…

Điều làm cho người dân bức xúc trước thực trạng tham nhũng, đó là một số cơ quan có trách nhiệm né tránh hiệu quả thấp trong phòng, chống tham nhũng bằng cách đổ lỗi cho hoạt động tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi thiếu các công cụ về pháp luật, hành lang pháp lý chưa chặt chẽ… Nhiều vụ việc tưởng là tham nhũng nhưng khi “vận” vào luật thì không phải như vậy vì có những kẽ hở để “lách”; thậm chí có vụ việc chỉ bị xử lý vi phạm hành chính rồi cho qua. Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội dẫn chứng, có địa phương, trong 2 năm thực hiện 804 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện 1-2 vụ tham nhũng nhỏ và kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính. Trách nhiệm của người đứng đầu không rõ ràng nên dễ dàng bị bỏ qua. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 8 tháng đầu năm, có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; trong đó, chỉ có 4 người bị xử lý hình sự và có đến 28 người bị xử lý kỷ luật hành chính…

Tuy nhiên, thực tế không phải là do thiếu hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống tham nhũng khi Đảng, Nhà nước kiên quyết tăng cường công tác này. Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành từ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung 2 lần (năm 2007 và 2012) cùng những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này đã quy định rất chặt chẽ những nội dung về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, là mối quan hệ chặt chẽ đến các luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Cán bộ, công chức… Đặc biệt, hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng trong Đảng đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện với quyết tâm chống tham nhũng quyết liệt; trong đó có việc xây dựng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương đứng đầu là Tổng Bí thư của Đảng; thành lập Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh, thành nhằm tham mưu hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng… Hệ thống các cơ quan tư pháp ngày càng được củng cố và nâng cao về chất lượng hoạt động, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Thế nhưng, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thực sự hiệu quả, theo đánh giá của cơ quan Nhà nước, Chính phủ và nhất là dưới con mắt tinh tường của nhân dân. Vì vậy, tham nhũng đã gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước ở các cấp. Lý do chính đáng có thể được nhìn nhận trên 2 khía cạnh. Về công tác phòng ngừa, việc giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên của Đảng chưa hiệu quả; quản lý về Nhà nước đối với cán bộ, công chức thiếu chặt chẽ; từ đó một bộ phận cán bộ, công chức có quyền lực và cơ hội nhưng thiếu đạo đức tìm mọi cách để tham nhũng và tham nhũng ngày càng nhiều hơn. Về công tác đấu tranh, còn có biểu hiện nể nang, né tránh, nặng bệnh thành tích theo kiểu “tốt khoe, xấu che” của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước các cấp; đặc biệt là có mối quan hệ về quyền lợi giữa các bên, nên công tác đấu tranh chống tham nhũng chưa thực sự quyết liệt và thực chất. Nhìn nhận đúng bản chất vấn đề, thì có thể thấy, không thể đổ lỗi cho thiếu hành lang pháp lý trong công tác phòng, chống tham nhũng trước thực trạng tham nhũng trở nên ngày càng bức xúc trong đời sống xã hội.

Đối với thành phố Đà Nẵng, trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, cần nhìn nhận và đánh giá đúng đắn thực trạng, tình hình và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, tránh bệnh thành tích trước những vấn đề liên quan đến đạo đức cán bộ, công chức và tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy, thì mới mong tạo được chuyển biến tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tạo lòng tin trong xã hội và cho sự phát triển của thành phố.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.