.

Hy vọng từ những đầu việc "lần đầu tiên"

Văn phòng UBND thành phố vừa ra thông báo về kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến tại cuộc họp giao ban sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. Qua kết luận này cho thấy, lãnh đạo thành phố rất sốt ruột trước tình hình trật tự đô thị và đặc biệt là tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn và đi kèm theo đó là rất nhiều đầu việc được giao cụ thể về cho từng ngành, từng đơn vị, từng địa phương với quan điểm rất rõ ràng: lập lại trật tự đô thị và giảm tai nạn giao thông là nhiệm vụ của tất cả chúng ta!

Quan điểm này đã được thể hiện rất rõ và cũng là điểm rất mới: Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo “Triển khai thí điểm giao cho các hộ dân nhà mặt tiền tự quản lý vỉa hè trên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố”. Thực ra đây không phải là lần đầu ý tưởng này xuất hiện, mà từ nhiều năm trước, tại khá nhiều cuộc họp nhiều ý kiến đã đề nghị việc “xã hội hóa” công tác quản lý vỉa hè này, thế nhưng với nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên ý tưởng này vẫn chưa thể triển khai được. Chính vì vậy, lần này dù đang ở bước đi khá thận trọng của thành phố là “thí điểm”, tuy nhiên ngay lập tức nhận được sự đồng tình của nhiều người dân, đặc biệt là với những hộ dân sống ở mặt tiền các con phố. Dĩ nhiên, từ chỉ đạo đến triển khai thực hiện là con đường còn dài và sẽ có nhiều va vấp, thế nhưng với sự “xã hội hóa” này thành phố sẽ huy động được lực lượng tham gia gìn giữ trật tự đô thị vô cùng đông đảo, rất nhiều tâm huyết và trách nhiệm, bởi mọi người ai cũng muốn vỉa hè trước mặt nhà mình luôn được sạch sẽ, văn minh và thông thoáng.

Để biến ý tưởng này thành hiện thực, trước hết chính quyền địa phương và người dân cần ngồi lại để bàn cách làm cũng như nghĩa vụ cụ thể, nhằm tránh tình trạng chính quyền và người dân ở các phố mặt tiền “dẫm chân” và thay vào đó tương tác hỗ trợ cho nhau. Nếu có được tiếng nói chung này, việc thí điểm này rất dễ thành công. Và dĩ nhiên, từ việc thí điểm thành công việc quản lý vỉa hè này, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến mở rộng việc “xã hội hóa” quản lý vỉa hè ra nhiều lĩnh vực như giao cho dân trồng, chăm sóc cây xanh trước nhà mình chẳng hạn.

Một điều đáng chú ý nữa là bên cạnh việc “xã hội hóa” công tác quản lý vỉa hè, trong kết luận của Chủ tịch UBND thành phố đã thể hiện sự mạnh tay với nạn “xe dù, bến cóc” tồn tại dai dẳng lâu nay như một thách thức. Đó là việc Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải “tập trung xóa các điểm “xe dù, bến cóc” trên địa bàn thành phố. Nghiên cứu bổ sung lực lượng Cảnh sát hình sự tham gia tổ kiểm tra, xử lý...”. Rõ ràng, với “căn bệnh” khá nặng và kéo dài như “xe dù, bến cóc”, việc lần này lãnh đạo thành phố chỉ đạo nghiên cứu bổ sung lực lượng Cảnh sát hình sự tham gia kiểm tra, xử lý đem lại sự hy vọng cho nhiều người. Đây là điều rất cần thiết vào lúc này, vì lâu nay mặc dù Thanh tra giao thông đã có sự hỗ trợ từ Cảnh sát giao thông, rồi đến Cảnh sát trật tự trong việc xử lý vấn nạn “xe dù, bến cóc” nhưng tình hình vẫn không khác gì “bắt cóc bỏ dĩa”. Vì cứ sau mỗi lần các lực lượng này ra quân thì tình hình tạm yên vài ngày, nhưng sau đó thì đâu vẫn hoàn đấy.

Một điểm mới khác là Chủ tịch UBND thành phố đồng ý với đề xuất của Ban ATGT thành phố, các địa phương là từ nay “Tổ chức duy trì họp giao ban công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố hằng tháng. Thời gian là từ ngày 1 đến ngày 5 đầu tháng”. Như vậy từ đây, những người làm công tác trên lĩnh vực quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và các địa phương sẽ có điều kiện để phản ánh kịp thời những vướng mắt cũng như đề xuất các giải pháp lên lãnh đạo thành phố một cách nhanh nhất.

Hy vọng rằng, từ những đầu việc “lần đầu tiên” này sẽ là liều thuốc đặc trị cho căn bệnh trật tự đô thị và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố!

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.