.

Kỳ vọng mới

Cùng với hàng triệu học sinh trên cả nước, hôm nay (5-9), gần 200.000 học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nô nức đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2013-2014.

Trong bức thư gởi đến các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành GD-ĐT và phụ huynh học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới 2013-2014 và ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ngành GD-ĐT đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt-Học tốt” để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học.   

Không phải chờ đến lúc này, thực tế trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có những quyết sách táo bạo đầu tư cho sự nghiệp GD-ĐT, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cả lượng và chất. Nhiều ngôi trường mới có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại như THPT chuyên Lê Quý Đôn, THPT Trần Phú, THPT Phan Châu Trinh… dần ra đời đã tạo điều kiện tốt cho hoạt động dạy và học. Cùng với đó, các lớp học sinh như Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Bùi Đức Thắng, Nguyễn Đình Tùng… đã mang về nhiều tấm huy chương ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế làm rạng danh thành phố. Dù là thành phố trẻ, nhưng những thành tích của thầy và trò ngành GD-ĐT đạt được trong thời gian qua cho thấy Đà Nẵng đã đi trước một bước trong công cuộc đầu tư cho GD-ĐT.

Cùng với đó, Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt những trường hợp học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố. Chính nhờ sự quan tâm kịp thời này, hầu hết các em học sinh được tạo điều kiện học tập trong môi trường tốt nhất.  

Trong năm 2013, ngành GD-ĐT đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với số tiền hơn 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Đây là một con số không hề nhỏ trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngoài những ngôi trường trọng điểm quen thuộc như Trường THCS Nguyễn Khuyến, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đáng mừng hơn, một số địa phương còn mạnh dạn đầu tư mô hình trường trọng điểm theo cơ chế riêng để tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp GD-ĐT của địa phương mình. Mô hình trường trọng điểm như Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) là một minh chứng sinh động nhất.

Với sự tập trung mọi nguồn lực để tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, chất lượng giáo dục ở các trường học trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên, sự chênh lệch chất lượng dạy học giữa các trường nội thành và các trường vùng ven dần được rút ngắn. Tình trạng dạy học kiểu đọc-chép cũng dần bị loại bỏ, thay vào đó là những phương pháp giáo dục hiện đại, lấy học sinh làm trung trung nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của các em.  

Đổi mới luôn là vấn đề cấp thiết với sự nghiệp GD-ĐT để theo kịp thời đại, hòa chung với xu thế của khu vực và thế giới. Hy vọng với sự quan tâm sâu sát của thành phố, sự nỗ lực tự thân của thầy và trò ngành GD-ĐT, năm học mới này sẽ mang về nhiều kết quả nổi bật hơn nữa trong công tác dạy và học.

ANH THY


 

;
.
.
.
.
.