.

Lợi cho dân thì làm

Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 837 đồ án quy hoạch, qua kiểm tra có 274 đồ án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, 411 đồ án đang triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn 153 đồ án quy hoạch chậm triển khai, nhiều dự án quy hoạch công bố từ năm 2009 và đã quá 3 năm vẫn chưa công bố phân kỳ đầu tư và xóa quy hoạch.

Quy hoạch chậm triển khai chẳng khác gì quy hoạch treo gây nhiều bức xúc cho người dân. Thực tế, đồ án quy hoạch kéo dài chậm triển khai đã và đang gây ra tình trạng phức tạp, gây khó cho người dân đã đành, song chính quyền và nhà đầu tư cũng tốn nhiều công sức, tiền của để khắc phục hậu quả. Việc UBND thành phố tiến hành rà soát 153 đồ án quy hoạch chậm triển khai thực sự là cuộc “đại phẫu” để gỡ nút thắt về các mối quan hệ phức tạp từ công tác quy hoạch. Lãnh đạo thành phố xác định, quy hoạch chi tiết là hiện thực hóa quy hoạch tổng thể chung nhưng triển khai quy hoạch chi tiết là triển khai để người dân được lợi; người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng, nhận đất tái định cư, tránh cưỡng chế thu hồi đất hay khiếu nại, khiếu kiện.

Ngay tại trung tâm thành phố, tuyến đường Hàn Mặc Tử (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) chỉ vài trăm mét nhưng vẫn cứ treo, đường đi lại thắt cổ chai. Việc chỉ giải tỏa mỗi 5 hộ dân nhưng các ngành cứ lừng khừng với nhiều ý kiến. Có ý kiến cho rằng cứ để vậy vì người dân có nhiều tuyến đường trong khu vực để lưu thông; ý kiến khác cho rằng 5 hộ dân khu vực giải tỏa nếu thực hiện đồ án và áp dụng phương án tái định cư tại gần nơi ở cũ thì họ quá hưởng lợi. Nghe thông tin này, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chỉ đạo phải thực hiện giải tỏa, bố trí kinh phí mở đường và tái định cư cho người dân. “Cái gì có lợi cho dân thì làm”, Bí thư Thành ủy nói.

Do quy hoạch chi tiết chậm triển khai nên hàng nghìn hộ dân sống trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng những quyền lợi xác đáng mà pháp luật quy định như quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, thừa kế và thụ hưởng các đầu tư về cơ sở hạ tầng. Do quy hoạch chậm triển khai nên người dân xây dựng trái phép và gián tiếp làm phá vỡ quy hoạch tại các dự án ven kênh Khe Cạn khu vực Thanh Khê, Cẩm Lệ; khu vực quy hoạch Nhà ga đường sắt mới ở quận Liên Chiểu. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ rõ, do dự án chậm triển khai, do chính quyền buông lỏng quản lý mà người dân xây dựng chạy quy hoạch, nhà ở tạm bợ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chưa bao giờ việc rà soát đồ án quy hoạch mà chính quyền thành phố công khai thừa nhận những bất cập về công tác lập đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch và triển khai đồ án. Chính quyền thành phố đã thực sự lấy người dân trong vùng giải tỏa làm đối tượng quan tâm đầu tiên. Ví dụ, khi bàn đến sự tồn tại của đồ án quy hoạch cảnh quan đầu cầu Nam Ô, nếu nơi tái định cư không thuận lợi cho việc kinh doanh của người dân thì dừng giải tỏa. Ở quận Thanh Khê, việc quy hoạch bố trí chợ Tân An xa trục giao thông chính, lãnh đạo thành phố, ngay trong đợt rà soát quy hoạch này, đã điều chỉnh, giao Sở Xây dựng chọn địa điểm mới thuận lợi cho người kinh doanh lẫn người đi chợ. Hàng loạt các dự án điều chỉnh quy hoạch giữ lại chỉnh trang chính quyền thành phố không dừng lại ở việc công bố xóa quy hoạch mà chỉ đạo cụ thể việc làm đường giao thông, xây dựng kênh thoát nước và thậm chí đầu tư máy bơm để sẵn sàng chống ngập úng.

Cuộc “đại phẫu” không dao kéo về các đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố nhưng vẫn có nhiều đớn đau. Chính quyền thành phố Đà Nẵng và nhà đầu tư đây đó vẫn tiếc nuối về nhiều dự án xóa quy hoạch. Nhưng nhìn về toàn cục dẫu tiếc nuối nhưng đã hướng về toàn cuộc là đời sống người dân hiện tại. Quy hoạch đô thị và triển khai quy hoạch phải đặt cái lợi của người dân khi có mảnh vườn, thửa đất bàn giao cho dự án được xem trọng, đó mới là mục tiêu cho sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.