.

Nền tảng cho chính quyền đô thị

Để tiến tới xây dựng chính quyền đô thị, điều hành, quản lý theo phương thức khoa học, hiện đại, thành phố xây dựng tòa nhà Trung tâm Hành chính, tập trung toàn bộ các cơ quan hành chính thành phố về một đầu mối để người dân có thể dễ dàng liên hệ, đồng thời tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp đối với các công chức thuộc khối chính quyền.

Sau khi đưa vào sử dụng, toàn bộ các sở, ngành của thành phố sẽ tập trung chuyển về “tòa nhà thông minh” làm việc. Những đơn vị nào tiếp xúc với người dân nhiều, hay nói cách khác có nhiều người ra vào thường xuyên sẽ được bố trí ở những tầng thấp của tòa nhà. Tất cả các đơn vị đều bố trí phòng tiếp dân, hướng dẫn thủ tục cho người dân. Đây là công trình Tòa nhà Hành chính Nhà nước tập trung đầu tiên của cả nước ở quy mô tỉnh, thành phố được xây dựng với kiến trúc hiện đại, có đơn vị quản lý điều hành riêng. Nơi đây cũng sẽ là đầu mối thuận tiện nhất cấp thành phố giúp cá nhân, tổ chức tiện lợi khi đến giải quyết công việc.

Một vấn đề khác, qua đánh giá một tháng thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy về bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị, đã có những chuyển biến ban đầu về trật tự giao thông, nhưng về quản lý trật tự đô thị vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Trong đó, nổi lên là việc quản lý vỉa hè, lòng đường. Khó khăn triền miên do chồng chéo trong quản lý dẫn đến tình trạng bát nháo trong lấn chiếm, sử dụng vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên; việc xử phạt theo kiểu đẩy đuổi không những gây nên hình ảnh phản cảm, bức xúc trong nhân dân mà còn xử lý không triệt để. Có tình trạng đó, một phần do việc xây dựng mô hình quản lý đô thị chưa hợp lý. Vẫn còn tồn tại kiểu quản lý theo mô hình chính quyền nông thôn (chính quyền 3 cấp) trong quản lý đô thị. Đó chính là sự cắt khúc trong phân cấp quản lý, điều hành cần được thay đổi. Nếu xây dựng được mô hình chính quyền đô thị, thì với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng cảnh sát đô thị sẽ làm rốt ráo vấn đề này; đồng thời người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm chính đối với thành phố, chứ không thể đổ trách nhiệm từ phường lên quận và từ quận xuống phường như hiện nay.

Đó là 2 trong số nhiều vấn đề được đặt ra bên lề hội thảo về xây dựng mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng được UBND thành phố tổ chức vào sáng qua (12-9). Mặc dù đây là hội thảo đầu tiên, sau một thời gian chuẩn bị khá dài, nhưng vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến xác đáng, chỉ ra mô hình và tính ưu việt của chính quyền đô thị đối với một thành phố như Đà Nẵng. Bên cạnh đó, khi nhìn toàn cục, Đà Nẵng có sự chủ động khi triển khai mô hình chính quyền hiện đại; nhưng đồng thời cũng bộc lộ những bất cập trong quản lý theo mô hình cũ, mà vấn đề pháp lý luôn được bàn đến.

Về những kết quả tạo tiền đề cho xây dựng chính quyền đô thị, có một dẫn chứng rất thuyết phục là sau 4 năm triển khai thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, Đà Nẵng được Trung ương đánh giá đạt những thành công rõ nét nhờ sự chủ động, sáng tạo và những cách làm mới. Đó là hoạt động giám sát tiếp tục được tăng cường và đổi mới, số lượng các cuộc giám sát của HĐND thành phố tăng từ 2,3 đến 3 lần so với trước khi thí điểm. Qua khảo sát, có đến 61% đánh giá kết quả giám sát của HĐND thành phố đối với quận, huyện và phường là tốt hơn. Quyền dân chủ và quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh. Hiệu quả hoạt động của UBND các cấp được đánh giá cao nhờ công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử. Hoặc, việc triển khai các chủ trương lớn như chương trình “thành phố 5 không” và “thành phố 3 có”. Vấn đề sắp xếp tổ dân phố theo hướng gọn hơn, quản lý chặt chẽ hơn, mức độ nắm thông tin nhanh hơn, đặc biệt là thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm ngay từ cấp dưới cơ sở đã cho thấy đây là sự chuẩn bị cần thiết khi bắt tay thực hiện chính quyền đô thị. Tương tự, để thu ngắn sự cách biệt giữa thành thị và các xã của huyện Hòa Vang, thành phố đã huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư lớn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao mức sống của người nông dân; trong đó có việc nâng cao dân trí-một yếu tố quan trọng để tạo điều kiện đô thị hóa nhanh chóng.

Có thể khẳng định, mục đích cao nhất của chính quyền đô thị là làm thế nào phục vụ dân tốt hơn trước. Dĩ nhiên, để vượt qua lộ trình 3 giai đoạn của đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng còn phải làm rất nhiều việc ở phía trước. Trong đó có việc giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp lý; đồng thời tiếp tục phát huy những kết quả từ cách làm năng động, sáng tạo và đột phá trong xây dựng chính quyền. Có như vậy, mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn của chính quyền đô thị mới thực sự bền vững.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.