.

Thấy gì qua nợ công?

Thông tin ghi nhận tại hội thảo - triển lãm Tài chính Việt Nam 2013 diễn ra vào 27-8 tại Hà Nội cho thấy, nợ công của Việt Nam vẫn tăng trong ba năm vừa qua. Trong đó, cơ cấu dư nợ công năm 2012 bao gồm: nợ chính quyền địa phương 1%, nợ Chính phủ 79%, nợ Chính phủ bảo lãnh 20%. Chia theo chủ nợ như sau: nhà đầu tư trái phiếu 28%, Nhật Bản 17%, World Bank 13%, tồn ngân Kho bạc Nhà nước 9%, ADB 8%, bảo hiểm xã hội 5%, khác 20%. Như vậy, khu vực Chính phủ (thông qua các bộ, ngành Trung ương) chiếm đến 99% số nợ công của quốc gia, phần còn lại rất ít ỏi là của khu vực địa phương tỉnh, thành phố. Chủ nợ là nhà tài trợ nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhà đầu tư trái phiếu đứng vị trí thứ hai, đáng lưu ý chủ nợ “đóng vai trò Chính phủ” như tồn ngân kho bạc, bảo hiểm xã hội… chiếm tỷ trọng khá đáng kể (14%).

Số liệu nêu trên cho thấy ít nhất hai điều: (1) Tính “tập trung” và “tập quyền” thể hiện rất cao trong cơ cấu dư nợ công, hầu như toàn bộ nguồn lực đầu tư phát triển do các bộ, ngành Trung ương nắm giữ, sau đó tái phân phối một phần về cho các địa phương, trong điều kiện ở Việt Nam thực tế này gắn chặt với cơ chế “xin - cho” và tình trạng “đặc quyền, đặc lợi”. (2) Tính chủ động của các tỉnh, thành trong vấn đề tạo nguồn lực đầu tư phát triển gần như bằng không, bởi vì nếu không tự tạo được nguồn lực tại chỗ, thì chỉ còn cách đi xin/hoặc phát hành trái phiếu địa phương, tuy nhiên thủ tục phát hành trái phiếu không phải dễ dàng do bị kiểm soát rất chặt chẽ từ Bộ Tài chính.

Trên thực tế, có những địa phương là đầu tàu kinh tế của cả nước, ví dụ như TP. Hồ Chí Minh, vẫn mãi loay hoay với bài toán cân đối ngân sách cho tình trạng quá tải về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục… mặc dù hàng năm tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương rất lớn. Ngược lại, nhiều tỉnh, thành vẫn sống mãi trong cơ chế bao cấp, trợ cấp ngân sách từ Trung ương, tính năng động sáng tạo bị triệt tiêu, tâm lý ỷ lại trông chờ ngày càng nảy nở. Trong bối cảnh ngân sách cả nước khó khăn như hiện nay, nhiều nguồn thu bị hụt, nhưng chỉ tiêu giao thu ngân sách lại tăng cao, khiến nhiều địa phương phản ánh là không thể kham nổi…

Một con số để so sánh: cuối năm 2003, trong tổng số 61 tỉnh, thành, có những địa phương không cần hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, bao gồm Quảng Ninh thuộc khu vực kinh tế Đông Bắc; ba địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng; hai tỉnh, thành Đà Nẵng, Khánh Hòa thuộc vùng kinh tế duyên hải miền Trung; 5 địa phương TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ; 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ ở đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh còn lại, ngân sách Trung ương đều phải cân đối bổ sung từ ít nhất 147 tỷ đồng (Bạc Liêu) đến nhiều nhất gần 1.300 tỷ đồng (Thanh Hóa). Đến nay, đã qua hơn 10 năm, số tỉnh, thành tăng lên 63, nhưng số tự cân đối ngân sách cũng mới chỉ đạt 13/63, trong khi mục tiêu đề ra là 15 tỉnh, thành (?). Mặc dù rất nhiều địa phương trong thời gian vừa qua tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế được mở rộng, tỷ trọng GDP trên đầu người tăng nhưng vẫn tiếp tục nằm trong diện hưởng trợ cấp ngân sách.

Rõ ràng, việc cải cách phân cấp thu chi ngân sách đang là vấn đề lớn, đặt ra một cách cấp bách trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công, từ đó mới có thể khuyến khích tính năng động sáng tạo, tự chủ, khai thác các nguồn lực tài chính một cách hợp lý, tạo ra động lực phát triển cân đối và toàn diện trên phạm vi cả nước. Tiến trình này phải gắn chặt với đổi mới triệt để nền hành chính quốc gia, làm sao đó để chuyển “cái lo” của Trung ương trở thành “sức bật” cho mỗi địa phương. Câu chuyện “Một người lo bằng/không bằng kho người làm” khi đó mới có thể đi vào cuộc sống được!

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.