.

Trách nhiệm và quyền lợi

Quỹ bảo lãnh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Đà Nẵng sẽ ra mắt trong tháng 11-2013 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng là một tin vui đối với các DN trên địa bàn thành phố.

Là tin vui, bởi ở Đà Nẵng hiện nay có hơn 12.500 DNNVV đang hoạt động, chiếm đến 98% tổng số DN trên địa bàn. Chiếm đa số trong các DNNVV này là các DN nhỏ và siêu nhỏ, trong đó riêng DN có vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm đến 60%. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này lại đóng góp lớn cho thành phố, đến 56% tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn, nộp thuế hơn 840 tỷ đồng (số liệu năm 2011). Tuy nhiên, đây cũng chính là thành phần kinh tế đang gặp khó khăn nhiều nhất, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái. Con số 286 DN giải thể, gần 3.000 DN thuộc thành phần kinh tế này ngừng hoạt động trong năm 2012 đã nói lên điều đó. Song, điều đáng lo nhất, đây chính là những DN gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi nhiều nhất khi tiếp cận vốn vay, bởi thiếu các điều kiện từ phía ngân hàng đưa ra.

Hỗ trợ thành phần DN này phát triển, vượt qua khó khăn hiện tại đang là một trong những ưu tiên của chính quyền thành phố. Tại cuộc họp ngày 6-9 với các cơ quan liên quan để xúc tiến thành lập Quỹ bảo lãnh và hỗ trợ DNNVV thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương một lần nữa khẳng định, thành lập quỹ này là cần thiết, đồng thời yêu cầu chậm nhất cuối tháng 11-2013 sẽ ra mắt. Không khó để giải thích về sự cần thiết này: 1) Hoạt động của nhiều DNNVV đang khó khăn, đình đốn do không tiếp cận được vốn vay ngân hàng do không có tài sản thế chấp. 2) Quan trọng hơn, không ít DN hoạt động hiệu quả, có dự án khả thi cần vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng không đủ điều kiện tín chấp lẫn thế chấp. Hệ quả của hai nguyên nhân này, không ít DN mất đi cơ hội kinh doanh, nhiều DN thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng, nhiều DN buộc phải tạm dừng kinh doanh, giải thể và phá sản...

Một chi tiết rất đáng chú ý trong việc thành lập Quỹ bảo lãnh và hỗ trợ DNNVV là nguồn vốn của quỹ để hỗ trợ các DN. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương, vốn điều lệ của Quỹ sẽ là 100 tỷ đồng, trong đó 1/3 từ ngân sách thành phố, 1/3 của các tổ chức tín dụng và 1/3 vốn còn lại chính là vốn đóng góp của các DN. Nhìn vào tỷ lệ huy động vốn này, có thể nhận thấy, ngoài nguồn vốn từ ngân sách thành phố, việc kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng, đặc biệt là chính các DN góp vốn sẽ gặp phải những vấn đề nan giải, nhất là trong thời buổi khó khăn này.

Ở Đà Nẵng đang có hàng chục ngân hàng thương mại đang hoạt động. 33 tỷ đồng (tỷ lệ góp vốn 1/3 của 100 tỷ đồng) đối với họ không phải là con số quá lớn. Vấn đề đối với họ là thấy được trách nhiệm cộng đồng với DN, là sự sẵn sàng góp vốn để cho DN được vay. Đối với các DN, một số ý kiến của chính các DNNVV tại cuộc họp ngày 6-9 cho rằng, để Quỹ hoạt động có hiệu quả, phải huy động các DN góp vốn vào Quỹ, tức gắn kết trách nhiệm với quyền lợi của các DN trong việc sử dụng vốn vay. Như vậy, các DN, trước khi nghĩ tới việc được ưu đãi, được bảo lãnh vay vốn, trước khi thấy được quyền lợi thì phải biết được, thấy được trách nhiệm của mình. Đây cũng chính là trách nhiệm cộng đồng doanh nghiệp với nhau, vì nhu cầu và vì quyền lợi chung của nhau để cùng liên kết, phát triển.

Như vậy, vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh Đà Nẵng) và các hiệp hội DN rất quan trọng, trong việc vận động góp vốn từ các ngân hàng và từ chính các DN. Ngoài ra, bộ máy hoạt động của Quỹ cũng cần phải hoạt động một cách độc lập, ngoài các cơ quan Nhà nước liên quan, cần có sự tham gia của các hiệp hội DN, các ngân hàng..., để Quỹ bảo lãnh và hỗ trợ DNNVV hoạt động một cách hiệu quả nhất, là “bà đỡ” cho các DNNVV trên địa bàn thành phố trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

THẢO ĐÀ NAM

;
.
.
.
.
.