Tuần qua, dư luận rất xôn xao trước câu chuyện 3 “ông lớn” đang chi phối thị trường viễn thông nội địa (Viettel, Mobifone, Vinafone) đồng loạt tăng giá cước 3G lên ít nhất 40% kể từ giữa tháng 10-2013.
Hiện tượng này được xem là “bất ngờ”, bởi vì: (1) Lâu nay giá cước viễn thông, nhất là cước di động, vốn luôn được đánh giá là tích cực do thường xuyên ở xu thế giảm do tác động tự do cạnh tranh trên thị trường, bất kể những giai đoạn mà áp lực lạm phát tăng cao đối với nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác. (2) Thời điểm quyết định tăng giá diễn ra gần như đồng loạt ở các “đại gia” viễn thông, cho dù vô tình hay hữu ý, tất yếu nảy sinh sự hoài nghi về tình trạng “lobby” mang tính “hiệp đồng tác chiến” để bảo vệ quyền lợi cục bộ của các công ty cung ứng dịch vụ? (3) Có thể xem đây là “yêu sách” nằm trong kịch bản có sẵn của các công ty viễn thông đối với các cơ quan quản lý Nhà nước sau khi dư luận bị “khuấy động” lên về câu chuyện dịch vụ OTT (Over the Top), một loại hình dịch vụ thoại - nhắn tin miễn phí, một thành tựu của công nghệ mà người tiêu dùng có quyền và nhu cầu được hưởng thụ?
Có ý kiến cho rằng giá cước viễn thông ở Việt Nam đang thuộc diện “rẻ nhất” thế giới, do vậy việc tăng lên vài chục phần trăm cước dịch vụ 3G, tính ra khoảng vài ba chục ngàn, không phải là điều gì quá ghê gớm đến mức phải ầm ĩ (?). Tuy nhiên, câu chuyện này không hoàn toàn đơn giản nếu được xem xét trên cả hai phương diện: Thực tiễn kinh tế thị trường; hành lang pháp lý về vai trò và quyền lợi người tiêu dùng - chủ thể quan trọng nhất của nền kinh tế.
Trước hết, cần thiết phải “ôn lại lịch sử” để thấy rằng không dễ dàng gì người tiêu dùng có khả năng hưởng thụ một nền “văn minh viễn thông” với mức cước “tương đối dễ chịu” như ngày hôm nay. Hơn hai chục năm trước, chất lượng dịch vụ bưu điện nói chung, giá cước nói riêng, luôn là nỗi ám ảnh của mọi gia đình Việt Nam, cước điện thoại di động lại càng “dễ sợ” hơn, bởi vì hóa đơn thanh toán hằng tháng phải nộp cho các nhà cung ứng dịch vụ độc quyền thường xuyên ở con số hàng triệu đồng, thuộc diện “cao nhất thế giới”, trong khi mức thu nhập bình quân của dân ta thuộc hàng “thấp nhất thế giới”. Nhờ chính sách đổi mới, mạnh dạn cải cách triệt để theo ba định hướng chủ yếu (công nghệ hóa - thị trường hóa - cạnh tranh hóa), thị trường dịch vụ viễn thông mới đạt được những bước tiến lớn như ngày hôm nay.
Nhưng điều quan trọng nhất là đã “trả lại tên cho em”, trả lại vị thế cho người tiêu dùng trong tư cách là chủ thể có tiếng nói quyết định đối với chất lượng/giá cả sản phẩm dịch vụ trên thương trường. Như vậy, căn cứ để “đơn phương quyết định” tăng giá cước 3G của Bộ Thông tin - Truyền thông + 3 nhà mạng lớn nhất nước, thay vì xác định giá cả dựa trên các căn cứ pháp lý và cạnh tranh thị trường minh bạch, rõ ràng không tương thích với mục tiêu thể chế quản lý kinh tế thị trường mà chúng ta đang theo đuổi. Mặt khác, động thái “đơn phương quyết định” tăng giá như thế có vi phạm Luật cạnh tranh hay không, dư luận đã và đang chờ ý kiến hạ hồi phân giải chính thức của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Nhìn rộng ra, không riêng gì giá cước viễn thông, nhiều sản phẩm dịch vụ thiết yếu khác trong nền kinh tế nước ta hiện vẫn đang được điều hành theo kiểu tương tự, dựa trên nền tảng “cảm tính” và “thiếu công khai, minh bạch”, như giá xăng dầu, điện, gas… Nguyên nhân chính là do cung cách quản lý vẫn chưa chủ động thoát ra khỏi khuôn khổ ấu trĩ của một “nền kinh tế phi thị trường”, cho dù Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2007.
Tuy nhiên, theo cam kết với WTO, Việt Nam có thời gian gia hạn chậm nhất đến cuối năm 2018 để chuyển đổi nền kinh tế sang thực thể “kinh tế thị trường” trên cơ sở phải đáp ứng được trình độ tự do hóa nền kinh tế theo một số tiêu chí căn bản: (1) Mức độ tự do chuyển đổi ngoại hối của đồng bản tệ, (2) Mức độ sở hữu/kiểm soát của chính phủ đối với các phương tiện sản xuất, (3) Mức độ kiểm soát của chính phủ đối với sự phân bổ các nguồn lực/các quyết định về giá cả và sản lượng của doanh nghiệp, (4) Mức độ tiền công lao động được xác định thông qua thương lượng tự do giữa người lao động và giới quản lý công ty, (5) Mức độ mà các liên doanh/các dạng đầu tư nước ngoài được phép hoạt động.
Do chưa được công nhận chính thức là nền kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp nước ta buộc phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ rủi ro trên thương trường quốc tế, đặc biệt là hai lĩnh vực chống bán phá giá và các biện pháp đối kháng, kể cả đối mặt với các thủ thuật cạnh tranh thiếu lành mạnh từ nước ngoài, điều liên tục xảy ra đối với các sản phẩm xuất khẩu như cá da trơn, tôm, xe đạp... Câu chuyện tăng giá cước 3G một lần nữa phát đi thông điệp cảnh báo cho thấy sự cấp bách phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách nền kinh tế theo tư duy kinh tế thị trường hiện đại, khuyến khích môi trường tự do cạnh tranh, thái độ tôn trọng quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng…
Nếu cứ mãi dung dưỡng cho những kịch bản tương tự “giá cước 3G” tiếp tục diễn ra thì nền kinh tế không những sẽ sa lầy vào nguy cơ tụt hậu mà vị thế cạnh tranh của quốc gia có nguy cơ bị tổn hại lớn trước dòng chảy thương mại hóa toàn cầu.
TÂM DÂN