.

Câu chuyện nâng trần bội chi ngân sách

Nghị trường Quốc hội đang diễn ra cuộc tranh luận về việc nên hay không nên nâng trần bội chi và phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ 170.000 tỷ đồng? Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không nâng trần thì hậu quả đầu tiên là ngân sách sẽ bị thâm thủng nặng nề, hiện đang có hàng ngàn công trình của các giai đoạn trước đang được triển khai, nếu không hoàn thành để đưa vào sử dụng, thì sẽ dở dang, rất lãng phí…? 

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội chắc chắn cân nhắc mọi mặt tình hình trước khi bấm nút quyết định chính sách. Đặc biệt, Quốc hội không thể chạy theo áp lực nhất thời từ phía Chính phủ mà cần tỉnh táo để đưa ra những định hướng, giải pháp lớn nhằm giải quyết tận gốc rễ “những tồn tại dai dẳng” gần như luôn được đề cập nhắc lại ở báo cáo trong mọi kỳ họp, như vậy mới có thể nói đến câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế một cách nghiêm túc.

Thông thường, trước vấn nạn bội chi triền miên và sử dụng ngân sách kém hiệu quả, trước hết Chính phủ phải có đề án tổng thể để khắc phục bằng giải pháp tăng cường tiết kiệm và nâng cao hiệu quả quản lý chi tiêu ngân sách. Đến nay câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này là hoàn toàn chưa có và cũng không rõ ràng, chi tiêu thường xuyên và chi đầu tư vẫn không ngừng tăng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng nhưng hệ số ICOR (hiệu suất trên vốn đầu tư) ngày càng giảm?

Trong điều kiện Việt Nam, từ vị thế nước lạc hậu đi lên chủ yếu bằng nội lực, chủ trương nâng trần bội chi hoặc đi vay nợ để “thoát nghèo và làm giàu” không có gì sai, tuy nhiên sẽ là thảm họa lâu dài cho đất nước nếu tình trạng hoang phí và tham nhũng các nguồn lực tài chính khan hiếm dành cho đầu tư phát triển vẫn còn diễn ra. Trách nhiệm này không chỉ mình Chính phủ mà ngay cả Quốc hội cũng phải gánh chịu do để kéo dài tình trạng này quá lâu. Đơn cử, một trong những công cụ để kiểm soát hiệu quả đầu tư là Luật Đầu tư công, mặc dù đã bàn thảo, hội thảo nhiều năm nay nhưng hiện tại vẫn chưa ngã ngũ.

Trong trường hợp do nhu cầu bức xúc của ngân sách buộc phải phát hành trái phiếu Chính phủ thì cũng cần lưu ý rằng, phần lớn nguồn lực vốn tập trung được sẽ xuất phát từ dòng vốn của hệ thống ngân hàng thương mại. Do bí đầu ra vì sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất yếu, tăng trưởng tín dụng chậm chạp, hệ thống ngân hàng không có lựa chọn nào tốt hơn bằng đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ. Vô hình chung, đã tạo ra một cơ chế biến hóa từ nguồn vốn “có năng lực kiểm soát tốt” chảy sang nguồn vốn “có nguy cơ thất thoát cao”, nhìn trên phương diện hiệu quả toàn cục của nền kinh tế đây thực sự là bài toán “tệ” chứ không phải là “tốt”.

Như vậy, thay vì phát hành trái phiếu chính phủ, vừa tăng thêm gánh nặng cho ngân sách phải chi trả gốc và lãi, vừa không kiểm soát được hiệu quả sử dụng vốn, hãy tập trung thiết kế những cơ chế thông thoáng hơn để hệ thống ngân hàng mạnh dạn đầu tư vốn vào các công trình, dự án mà nền kinh tế đang thực sự có nhu cầu. Chính phủ sẵn sàng đứng ra bảo lãnh tín dụng/ hỗ trợ lãi suất/ cân đối vốn đối ứng một phần… cho các dự án cần thiết, sớm phát huy nhanh hiệu quả. Huy động sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng chính là một trong những cách thức phát huy nội lực tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay, không nên và không được phép để lãng phí bất kỳ nguồn lực tài chính nào, kể cả công hay tư, đó là sứ mệnh lớn lao và cấp thiết của Chính phủ, nhất là của Quốc hội - trong vai trò nhà kiến tạo lập pháp chính sách.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải tiến hành đánh giá toàn diện và nghiêm túc các nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm chạp các khoản vốn tài trợ như ODA, gói tín dụng nhà ở xã hội, cơ chế hỗ trợ lãi suất tín dụng sau thu hoạch… Trong khi cả nền kinh tế đang lâm vào tình thế khó khăn, thiếu vốn, thiếu ngân sách, nhưng vẫn có nhiều nguồn lực tài chính bị “treo” kéo dài là điều không thể chấp nhận được. Có thể gọi đích danh vấn nạn này là một dạng “tồn kho chính sách”, phản ánh tình trạng yếu kém trong quá trình hoạch định, xây dựng và điều hành cơ chế chính sách, cả trên tầm vĩ mô và vi mô, vừa kém khả thi, vừa xa rời thực tiễn, thiếu tính đột phá trong điều kiện đặc thù của đất nước.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.