Ngày 2-10, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, người dân sống ở lưu vực sông Vu Gia như: Đại Lãnh, Đại Hưng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nháo nhào ngỡ đập thủy điện bị vỡ vì nước dâng cao bất thường. Từ ngày có thủy điện, người dân vùng hạ du cứ thấp thỏm những nỗi lo: nắng thì lo hạn, mưa thì sợ lũ quét.
Cùng với việc thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ đến 2.700m3/s, cùng ngày, đồng loạt các thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và A Vương - thượng nguồn sông Vu Gia - cũng có thông báo xả lũ. Thủy điện Sông Bung 4A thông báo xả từ 500 đến 1.000m3/s, Sông Bung 5 xả từ 300 đến 600m3/s và A Vương xả 50 đến 100m3/s. Chính vì thế, chiều 2-10, người dân các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, vùng hạ du sông Vu Gia thấy nước sông dâng cao bất thường nên hoảng loạn tức tốc chạy lũ vì ngỡ vỡ đập thủy điện. Có những người đi làm xa tận Đà Nẵng, nghe vợ con điện thoại báo cũng tức tốc chạy hơn 50km về dọn nhà chạy lũ như chạy giặc.
Việc người dân các xã Đại Lãnh, Đại Hưng cuống cuồng chạy lũ như hôm 2-10 chỉ là “cái biểu hiện” của nỗi ám ảnh mang tên… thủy điện, của không chỉ người dân Đại Lộc mà còn của hàng ngàn dân Đà Nẵng, nơi hạ du sông Vu Gia. Hằng năm cứ hai mùa mưa nắng, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn cứ thấp thỏm hai nỗi lo: khô hạn và lũ quét, hậu quả của việc thủy điện tích nước mùa hạn và xả lũ mùa mưa bão.
Từ nhiều đời nay, người dân vùng hạ du sông Vu Gia đã quá quen thuộc và có thể sống chung với mưa lũ và khô hạn. Nhưng chưa bao giờ như mấy năm trở lại đây, khi hệ thống thủy điện bậc thang mọc lên “như nấm sau mưa” ở thượng nguồn sông Vu Gia thì cũng là lúc người dân vượt quá ngưỡng chịu đựng. Nếu như trước đây, khô hạn chỉ xảy ra khoảng một tháng vào giữa hè thì nay, ăn Tết xong đã hạn kéo dài đến tháng 8.
Còn với mùa mưa, nước lũ dâng cao trong tích tắc nhấn chìm tất cả, chẳng còn như ngày xưa. Nếu như trước đây, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng có thể dự báo khô hạn và mưa lũ còn chính xác… hơn cả đài dự báo thời tiết và có thể chủ động trong sinh hoạt và sản xuất, thì nay, kể từ khi hệ thống thủy điện mọc lên, sự thất thường của mưa lũ và khô hạn đã nằm ngoài mọi sự dự báo, người dân chỉ còn biết… than trời. Trước đây, kinh nghiệm của người dân, chỉ nhìn lên nền trời và suy đoán theo quy luật “có mưa có lũ, mưa lớn lũ lớn” nhưng nay cái quy luật ấy chẳng còn đúng nữa. Nay, trời mưa nhỏ nhưng lũ lại lớn, bởi thủy điện xả lũ.
Mùa mưa thì khổ vì lũ, mùa nắng thì khổ vì hạn hán. Dòng sông Vu Gia trong xanh dồi dào nước biếc ngày nào nay được thay bằng màu ngầu đục và cạn trơ đáy bởi hệ thống thủy điện phía đầu nguồn đã hứng cạn nguồn nước.
Chẳng thể phủ nhận lợi ích từ thủy điện đối với một quốc gia, nhưng cách xây dựng thủy điện một cách ồ ạt và bất chấp như ở Quảng Nam hiện nay đã làm đảo lộn mọi quy luật, phủ định mọi nguyên tắc và đe dọa đến tính mạng cả hàng triệu dân của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Điều người dân mong muốn nhất đó là trước, trong và sau khi xây dựng thủy điện, các chủ đầu tư hãy nghĩ về lợi ích của nhân dân như chính lợi ích của mình. Có như thế, thủy điện mới thực sự mang đến lợi ích đúng nghĩa và bền vững, chứ không phải là mối hiểm họa như hiện nay.
THANH TUYỀN