Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước xác định rõ: “Xây dựng và phát triển Đà Nẵng có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung - Tây nguyên và cả nước”. Chính vì vậy, trong 10 năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành của Trung ương và sự chủ động phát huy nội lực của địa phương, Đà Nẵng tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, tạo điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Dấu ấn nổi bật nhất là về lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều công trình, dự án quan trọng, có quy mô lớn được đầu tư xây dựng, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường kết nối, thông thương, phát triển kinh tế 11 tỉnh duyên hải miền Trung. Việc Trung ương chọn đầu tư xây dựng hầm đường bộ Hải Vân, nâng cấp, mở rộng ga hàng không quốc tế Đà Nẵng, triển khai dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đầu tư nút giao thông ngã ba Huế… là những công trình đã và đang để lại những dấu ấn lớn để thúc đẩy kinh tế - xã hội, giao thương các tỉnh trong khu vực.
Đi liền với đó, Đà Nẵng đã kịp thời định hướng phát triển nhanh và khá toàn diện lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, tạo không gian mở để giao thương thuận lợi với các địa phương lân cận. Đặc biệt, hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, hình thành nhiều khu du lịch, tour, tuyến, sản phẩm, từng bước liên kết và tạo không gian kinh tế du lịch thống nhất toàn vùng.
Một trong những tiềm năng, thế mạnh đối với nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đó là phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo. Đến nay, riêng Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển như: cảng Đà Nẵng, cảng Tiên Sa, Khu công nghiệp dịch vụ chế biến thủy sản Thọ Quang, khu hậu cần nghề cá, âu thuyền trú bão… tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền các tỉnh trong khu vực tiêu thụ hải sản, trú tránh thiên tai. Về hạ tầng xã hội, thành phố ưu tiên đầu tư, phối hợp, phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, từng bước khẳng định vai trò, vị trí Đà Nẵng là trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực lớn của vùng và cả nước.
Trong đó, Đại học Đà Nẵng là đại học vùng với quy mô lớn, ngày càng mở rộng. Trên lĩnh vực y tế, Đà Nẵng ưu tiên thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung thư, nâng cấp Bệnh viện Đà Nẵng quy mô 1.100 giường; thu hút và đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao... nhằm phục vụ có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân thành phố và trở thành trung tâm y khoa lớn của khu vực trong những năm đến.
Tuy vậy, sức lan tỏa, liên kết, thúc đẩy các tỉnh trong vùng cùng phát triển của Đà Nẵng vẫn chưa mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn lỏng lẻo. Tác động tích cực của Hành lang kinh tế Đông - Tây để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Đà Nẵng chỉ mới ở những bước khởi đầu.
Nhiệm vụ trọng tâm để Đà Nẵng trở thành đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực là tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông và thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng.
Vấn đề đặt ra ở đây là các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn để khai thác hiệu quả các chương trình hợp tác. Trong đó, Đà Nẵng đóng vai trò là trung tâm nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của cả vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của nhau để cùng phát triển, các địa phương cộng đồng trách nhiệm và cùng có lợi. Trước mắt, có thể tập trung vào một số lĩnh vực như đầu tư, khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, chế xuất một cách hiệu quả; liên kết phát triển du lịch, khai thác đánh bắt và chế biến hải sản; liên kết đào tạo nhân lực, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...
DIỆU MINH