.

Hướng về miền Trung ruột thịt

Bão số 10 đi qua để lại cảnh tượng tan hoang, nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, cây cối, cột điện ngã đổ ngổn ngang…

Theo thống kế ban đầu, bão làm 9 người chết, 1 người mất tích, 199 người bị thương; 372 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 194 nghìn ngôi nhà và 795 công sở, trường học, trạm y tế, bệnh viện… bị tốc mái; gần 20 nghìn ha cây cao su nhiều năm tuổi bị gãy đổ; hàng chục nghìn ha rau màu, cây ăn quả, ao hồ nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng; hơn 120 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng. Thiệt hại về vật chất vô cùng lớn, chỉ tính riêng ở tỉnh Quảng Bình đã hơn 4.600 tỷ đồng.

Người dân miền Trung quanh năm tảo tần một nắng hai sương, chắt chiu dành dụm từng đồng bạc lẻ gầy dựng cơ ngơi, nay bỗng chốc trắng tay sau bão. Hàng chục nghìn gia đình lâm vào cảnh khốn cùng khi nhà cửa sập đổ hoàn toàn, tài sản hư hỏng, mất mát hết. Biết bao học sinh bần thần ngơ ngác trước cảnh tan hoang sau bão, chưa biết sẽ đến trường bằng cách nào khi sách vở, đồ dùng học tập, quần áo không còn… Để ổn định đời sống, người dân vùng này  đang gồng mình khắc phục hậu quả do bão gây ra. Nhưng rồi,  họ chỉ có thể nhặt nhạnh những tấm tôn cong queo, méo mó, rơi vãi khắp nơi lợp lại mái nhà đã trống huơ trống hoác. Và nay, lũ lớn đang tràn về, khó khăn chồng chất khó khăn.

Dân tộc ta vốn có truyền thống lá lành đùm lá lách mỗi khi gặp khó khăn hoạn nạn. Nhưng ở miền Trung thời điểm khốc liệt này, hàng trăm nghìn  gia đình đều bị hoạn nạn giống nhau đó là nhà cửa sập đổ, tài sản hư hỏng, mát mát. Lá nào cũng rách tả tơi, liệu còn có cơ hội để đùm bọc nhau. Và họ chỉ có thể trông cậy vào sự cưu mang của Nhà nước, nhân dân, đồng bào cả nước.

Hơn lúc nào hết, thời điểm này, là lúc nhân dân cả nước thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ bà con vùng bị siêu bão tàn phá. Một tấm tôn lợp nhà, một kilogam gạo, hay một bộ quần áo… đến với họ lúc này sẽ vô cùng giá trị. Và nữa, trong khi ai nấy đang trong tâm trạng  buồn bã, thất vọng trước thiệt hại quá lớn về tài sản, họ rất cần sự giúp đỡ sức người, sức của để khắc phục hậu quả. Người dân miền Trung chỉ có thể vượt qua được thử thách gay go này khi có sự giúp đỡ ân tình của chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp và nhân dân cả nước.

Ngay khi bão tan, lãnh đạo các cấp đã đến tận nơi thăm hỏi, động viên bà con vùng bị bão tàn phá, đồng thời chỉ đạo khắc phục hậu quả. Rất nhiều đơn vị thuộc lực lượng vũ trang đã về các vùng bị thiệt hại nặng, giúp dân lợp lại nhà cửa.  Không ít cơ quan, đơn vị, DN trên mọi miền đất nước đã và đang hướng về miền Trung ruột thịt bằng hành động thiết thực, đó là khẩn trương chuyển hàng cứu trợ đến vùng tâm bão Quảng Bình, Quảng Trị. Ở Đà Nẵng, Quỹ Hỗ trợ Phòng tránh thiên tai miền Trung, đơn vị từng đóng góp không nhỏ cho bà con vùng bão lũ mấy năm qua, đang chuẩn bị hàng hóa chuyển ra  vùng bị bão tàn phá trong thời gian sớm nhất.

“Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đó là đạo lý tốt đẹp có từ ngàn đời của dân tộc ta. Bà con ở các tỉnh Bắc miền Trung, nơi tâm bão đi qua, đang rất cần sự giúp đỡ kịp thời, hiệu quả từ chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp và đồng bào trên mọi miền đất nước. Lúc này cũng là lúc vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương cần được phát huy cao nhất. Sự hỗ trợ giúp đỡ bà con vùng bị thiên tai tàn phá sẽ nhanh chóng trở thành phong trào rộng lớn sau lời kêu gọi của Uỷ  ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Hy vọng, bên cạnh, sự hỗ trợ của Chính phủ, bà con vùng bị bão tàn phá sẽ tiếp nhận được nghĩa tình sâu nặng của nhân dân cả nước, để có thêm điều kiện vượt qua thử thách cam go này.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.