.

Nghịch lý ngân hàng

Trong vài năm trở lại đây, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nước ta có nhiều thay đổi quan trọng. Sự xuất hiện của các NH 100% vốn nước ngoài đã khiến sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, buộc các NH Việt Nam phải tái cấu trúc để tiếp tục phát triển.

Trong đó, nổi lên việc cổ phần hóa các NHTM Nhà nước (NN) để hoạt động theo mô hình đa sở hữu. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 9 chi nhánh của 5 NHTM NN và cổ phần NN chi phối đang hoạt động. Các NH này góp phần quan trọng trong việc đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế. Đây là kênh chuyển tải nhanh nhất các cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển…

Tuy nhiên, theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Đà Nẵng, hoạt động của khối NHTM NN và cổ phần NN chi phối có chiều hướng giảm so với năm trước; trong khi khối NHTM cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, vẫn tiếp tục tăng trưởng… Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng các NHTM NN và cổ phần NN chi phối đang đuối sức? Phân tích số liệu cho thấy đến cuối tháng 9-2013, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước tăng 9,33% so với cuối năm 2012; trong đó, nguồn vốn huy động của khối NHTM NN và cổ phần NN chi phối giảm 2,6% so với cuối năm 2012; khối NHTM cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài tăng 17,88%.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay khối các NHTM NN và cổ phần NN chi phối giảm 1,47%; khối ngân hàng TMCP, liên doanh và 100% vốn nước ngoài tăng 9,14% so với cuối năm 2012. Trong khi đó, nợ xấu của khối NHTM NN và cổ phần NN chi phối lại tăng cao hơn khối NHTM cổ phần, liên doanh và 100% vốn nước ngoài là 4,67% so với  3,21%. Những thông tin này cho thấy khối NHTM NN đang hoạt động không hiệu quả và rủi ro cũng cao hơn so với khối NHTM cổ phần.

Điều này cho thấy, mặc dù được sở hữu một phần lớn vốn của Nhà nước, nhưng hoạt động 9 tháng đầu năm 2013 của khối này lại kém hiệu quả hơn. Vậy, đây là do năng lực quản lý, do con người, hay môi trường kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng?

Dĩ nhiên, không ai phủ nhận những đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng nói chung, NHTM NN và cổ phần NN chi phối nói riêng trong thời gian qua. Song, với những gì đã và đang xảy ra, nếu không kịp thời có những biện pháp mạnh, cải cách triệt để, thì vai trò chủ đạo này sẽ giảm dần, hoặc có thể mất đi do sức ép cạnh tranh từ bên ngoài và từ khối NHTM cổ phần, liên doanh…

Dưới góc độ kinh doanh, việc cổ phần NHTM NN mới chỉ là một nửa quá trình. Dù có thay đổi ít nhiều về cách thức quản lý, điều hành, loại hình doanh nghiệp này vẫn chịu sự chi phối của Nhà nước. Và đội ngũ lãnh đạo, kinh doanh dĩ nhiên do các chủ sở hữu này chỉ định, và điều tất yếu là nhân sự vẫn sẽ là những con người cũ, nên sự ì ạch, trì trệ của cơ chế bao cấp, trông chờ vào “bầu sữa” Nhà nước vẫn chưa thật sự thoát ra. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, thì các NHTM NN và cổ phần NN chi phối phải tự đổi mới mình, thay đổi cung cách làm việc; để từ đó tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong trong hoạt động của ngành Ngân hàng ở nước ta.

NHẬT ANH

;
.
.
.
.
.