.

Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Đánh giá kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố về phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, mặc dù đối mặt với thời kỳ khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng với sự kiên trì thực hiện định hướng và 5 giải pháp đột phá, cùng với sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt và quyết tâm cao, thành phố từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được một số thành tựu quan trọng. GDP ước tăng 10%/năm.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng tỷ trọng trong cơ cấu các thành phần kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng, tạo nền tảng cơ bản thực hiện tái cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng bền vững. Các sản phẩm dịch vụ, công nghiệp ngày càng phong phú, đa dạng, đã định hình được một số ngành, sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu nguồn thu phát sinh kinh tế từ thuế và phí gia tăng theo hướng tích cực, bền vững hơn.

Tuy vậy, qua phân tích đánh giá, có thể thấy quy mô nền kinh tế thành phố còn khiêm tốn và tích lũy để tái đầu tư còn hạn chế, sức cạnh tranh và hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp. Sức ảnh hưởng, lan tỏa và vai trò đầu tàu phát triển của khu vực chưa rõ nét. Bên cạnh đó, thành phố tập trung đầu tư cho du lịch nhưng chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc để giữ chân và kích thích tiêu dùng. Sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, chưa có bứt phá mạnh mẽ, chưa có nhiều dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Chưa hình thành doanh nghiệp và sản phẩm có quy mô lớn tầm cả nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn có tăng, song việc triển khai dự án còn chậm, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn vào thành phố.

Làm thế nào để kinh tế thành phố tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng từ 9 đến 10%/năm là vấn đề quan tâm lớn nhất. Trong các nhóm giải pháp được đưa ra bàn thảo, giải pháp về tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 là nhiệm vụ cấp bách, then chốt, đặt lên hàng đầu.

Thật ra, tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành phố đã triển khai thực hiện từ trước, song vẫn chưa đạt yêu cầu và mong muốn. Do vậy, thời gian đến, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh và phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư và nâng cấp các cơ sở hạ tầng dịch vụ, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung vào các nhóm ngành chính như: du lịch, thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm - tín dụng, vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, công nghệ thông tin, kinh doanh tài sản - bất động sản, dịch vụ tư vấn, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo chất lượng cao.

Đầu tư phát triển du lịch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với các dự án trọng điểm như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, khu phức hợp quốc tế tại Làng Vân, các dự án tại bán đảo Sơn Trà, rà soát lại quy hoạch và từng bước triển khai Khu công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, Công viên châu Á, Công viên Đại dương, bến du thuyền sông Hàn. Đi liền với đó, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư, nhanh chóng hình thành các trung tâm thương mại, khu mua sắm lớn để phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghệ cao, sử dụng năng lượng sạch, công nghệ thân thiện với môi trường.

Có chính sách khuyến khích phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của thành phố như: ô-tô, cao su, đồ uống, hải sản, thiết bị điện tử… Xây dựng và phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong ba trung tâm công nghệ hàng đầu của quốc gia. Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn, phục vụ cho đô thị, du lịch. Thực hiện có hiệu quả chương trình “tam nông”, xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, để tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành công, Đà Nẵng phải tiến hành đồng bộ và kịp thời các giải pháp lớn khác như: nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị nhanh, đồng bộ, hiện đại. Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống nhân dân.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.