.

Trả giáo dục về đúng bản chất

Sau khi Báo Đà Nẵng có bài phản ánh tình trạng dạy thêm học thêm (DTHT) ở bậc tiểu học vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố mặc dù Bộ GD-ĐT và UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành các văn bản cấm, chính quyền cùng cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra nghiêm túc để chấn chỉnh.

Điều đó cho thấy, chính quyền thành phố không buông lỏng trong quản lý, tăng cường công tác kiểm tra và cương quyết xử lý vi phạm. Trong cuộc làm việc với các trường vào hôm qua (30-10), Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh đã quyết liệt trong chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng DTHT, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm; trong đó nêu trách nhiệm của các cấp quản lý, của người đứng đầu nhà trường… Tuy nhiên, có lúc có nơi tình trạng vi phạm về DTHT vẫn xảy ra do chính quyền cơ sở chưa sâu sát; lãnh đạo các trường chưa triệt để trong phổ biến, thực hiện chính sách và nhất là tình trạng giáo viên “biết rồi vẫn dạy”.

Tuy nhiên, vấn đề DTHT không mới, từ lâu đã bàn tới và đã có nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm dụng DTHT, đưa vấn đề DTHT vào trong quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng. Thế nhưng, vì sao tình trạng này vẫn diễn ra và gây bức xúc trong xã hội, luôn trở thành vấn đề nóng không chỉ của ngành giáo dục mà của cả xã hội trong một thời gian dài nhưng không có giải pháp nào là triệt để?

Có thể thấy rằng, nhu cầu DT của giáo viên và được HT của học sinh là có thật. Trước hết, đó là do thu nhập chính đáng từ lương của giáo viên còn thấp so với nhu cầu bảo đảm cuộc sống và nhất là trong bối cảnh đời sống xã hội hiện nay. Nhiều giáo viên không có cơ hội làm thêm để tăng thu nhập nào ngoài việc sử dụng năng lực chuyên môn được đào tạo của mình, vì thế để có thu nhập thêm thì phải DT. Về phía học sinh, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình học quá nặng dẫn đến việc tiếp thu kiến thức từ học chính khóa trong nhà trường không bảo đảm, vì vậy cần phải HT.

Bên cạnh đó, áp lực về thành tích (mặc dù ngành giáo dục đã phát động phong trào nói không với bệnh thành tích) vẫn còn đè nặng lên vai nhà quản lý giáo dục và giáo viên nên nảy sinh chuyện DTHT. Cùng với đó, là tình trạng quá tải tại một số trường tiểu học ở trung tâm thành phố bắt buộc phải dạy học 1 buổi/ngày, để bảo đảm “công bằng” đối với những học sinh có điều kiện bồi dưỡng kiến thức khi học 2 buổi/ngày và thuận lợi trong quản lý con cái, phần đông phụ huynh chọn giải pháp giao con cho giáo viên hoặc các cơ sở quản lý, vì vậy dẫn đến DTHT…

Đó là nguyên gốc của vấn đề DTHT. Nhưng thực tế, có những biến tướng nhất định trong DTHT nên vấn đề này trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội hiện nay. Đó là một bộ phận giáo viên quá tham lam trong việc tăng thêm thu nhập nên đã có những chiêu bài trong việc ép buộc phụ huynh phải đưa con đi HT, đó là việc không dạy đầy đủ kiến thức trong chương trình ở nhà trường để học sinh phải đi HT, đánh giá không đúng năng lực của học sinh để phụ huynh phải cho con HT…

Những nhà quản lý giáo dục ở các cấp, các trường tổ chức xây dựng các cơ sở bán trú ngoài nhà trường và tìm mọi cách đưa học sinh về DT. Một số phụ huynh muốn “lấy lòng” giáo viên hoặc các nhà quản lý giáo dục để bảo đảm cho thành tích học tập của con em mình cũng có tâm lý đưa con đi HT, mặc dù nhu cầu về bồi dưỡng kiến thức là không đáng kể. Chính những biến tướng đó của DTHT đã đẩy vấn đề này trở thành nỗi bức xúc trong xã hội, bắt buộc chính quyền và ngành chức năng xây dựng các quy định và vào cuộc quyết liệt để kiểm tra, xử lý. Thế nhưng, rõ ràng tình trạng DTHT vẫn mãi là nỗi bức xúc nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề từ gốc.

Trước hết, trong đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục theo tinh thần Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng (khóa XI), cần phải xây dựng chương trình hợp lý với từng cấp học, bậc học, giải quyết tình trạng quá tải hiện nay. Đó là phải có giải pháp đối với căn bệnh thành tích vẫn còn đè nặng trong xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng, có sự đánh giá thực chất hiệu quả giáo dục và không đặt nặng chỉ tiêu một cách hình thức.

Cần xây dựng chính sách thu nhập bảo đảm đời sống của giáo viên, đồng thời tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, chấn chỉnh tình trạng suy thoái về đạo đức của một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục; không để diễn ra sự tha hóa đạo đức trong môi trường giáo dục; nêu cao trách nhiệm và lương tâm của nhà giáo đối với sự nghiệp trồng người. Mỗi người dân cần nhìn nhận đúng đắn vị trí, vai trò của giáo dục đối với sự phát triển con người và xã hội, trả giáo dục về đúng bản chất của nó…

Có như vậy, việc DTHT mới được giải quyết một cách căn cơ, rốt ráo. Còn nếu không, những quy định nào cũng có kẽ hở để người lạm dụng có thể “vượt rào”; lại gây khó khăn cho chính quyền và cơ quan chức năng trong việc xây dựng quy định, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử phạt; gây ức chế và bức xúc cho người trong cuộc và cho cả xã hội.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.