.

Vững vàng trước thiên tai

Vùng tâm bão, sức gió mạnh nhất cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 đã gầm rít, quần thảo trên từng con phố, làng quê ở thành phố Đà Nẵng liên tục từ 22 giờ ngày 14-10 đến 9 giờ sáng hôm sau. Trước khi cơn bão này đổ bộ vào đất liền, nhiều người đã gọi nó là siêu bão, sức tàn phá tương đương hoặc lớn hơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng 7 năm về trước.

Bão đi qua, thành phố ven biển miền Trung tan hoang! Địa phương nào cũng có nhà sập đổ, tốc mái, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Thống kê sơ bộ từ Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, mặc dù bão hết sức tàn khốc song ở Đà Nẵng không có người thiệt mạng và chỉ có 11 người bị thương,124 nhà sập đổ hoàn toàn. Trong khi đó, thống kê sau bão Xangsane, ở Đà Nẵng có 26 người thiệt mạng (kể cả thiệt mạng do lũ kèm theo bão).

Siêu bão số 11 quét qua địa bàn thành phố Đà Nẵng giữa đêm khuya, giật mạnh hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng không có người thiệt mạng do bão là thành công rất lớn trong công tác phòng, chống của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp, là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân địa phương. Số người bị thương đều không nghiêm trọng, có người đã trở về sau khi được cán bộ y tế sơ cứu. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, không ít người đã tiên lượng đến thảm cảnh nhà cửa sụp đổ, tàu  thuyền chìm, hư hỏng rất lớn; thế nhưng thực tế xảy ra không như tưởng tượng. Chỉ tính riêng về tàu thuyền, trong bão Xangsane, hơn 130 chiếc, 3 xà lan…bị chìm, hư hỏng, thì bão 11 này các loại phương tiện thủy ở Đà Nẵng gần như an toàn tuyệt đối.

Yếu tố nào giúp Đà Nẵng vững vàng trước thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản? Có lẽ, ai nấy đều có chung một câu trả lời. Đó là do sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo thành phố và sự chuẩn bị đối phó hết sức nghiêm túc, không chủ quan với siêu bão của nhân dân. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN đã thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”, triển khai cùng lúc nhiều giải pháp khả thi. Trong đó, việc sớm lên phương án và khẩn trương di dời hơn 11.000 hộ dân với trên 55.000 nhân khẩu tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn có ý nghĩa quyết định đến sự an toàn gần như tuyệt đối về người trước sự tàn phá ghê gớm của bão.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, chính quyền các cấp và mỗi người dân đã khắc phục triệt để tâm lý chủ quan, coi thường mỗi khi bão, lũ xảy ra. Năng lực chỉ huy đối phó với thiên tai của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp và ý thức tuân thủ của mỗi người dân ở Đà Nẵng đã nâng lên đáng kể.  Nếu như trước đây, mỗi khi bão đến không ít người thờ ơ, bàng quan trong phòng chống, kể cả việc bảo vệ tài sản của chính mình; thì nay, ai nấy tích cực, tự giác tổ chức chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền về  neo đậu đúng nơi quy định, hoặc kéo lên bờ tránh bão. Nói đúng hơn, trước thảm họa của thiên tai, từ người lãnh đạo cao nhất của thành phố đến người dân thường đều nỗ lực đối phó bão với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất, với mục tiêu không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Bão số 11 đã đi qua. Các cấp, các ngành và mỗi người dân đang nỗ lực chung tay khắc phục hậu quả. Thành công trong phòng, chống thiên tai lần này là bài học quý giá để Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các cấp và mỗi người dân Đà Nẵng đúc kết bổ sung, không những để tập trung chỉ đạo và thực hiện việc khắc phục hậu quả của bão số 11, mà còn là bài học quý để đối phó với những cơn bão, lũ tương tự xảy ra trong tương lai. Cũng qua cơn bão này, một điều như chân lý là: Thiên tai dù tàn khốc mấy, song con người có thể khắc chế, giảm thiểu thiệt hại, bảo toàn tính mạng nếu tích cực chủ động đối phó bằng những giải pháp kịp thời, khả thi nhất.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.