.

Yên tâm hơn khi tiêm vaccine

Trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã được tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi sau tiêm tại các trạm y tế xã, phường. Đây là điều hết sức… bình thường và đương nhiên, nhưng đã từng là điều… không tưởng tại rất nhiều trạm y tế.

Khám sàng lọc trước tiêm và theo dõi 30 phút sau tiêm ngay tại điểm tiêm chủng là một quy định bắt buộc nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế tình trạng sốc thuốc. Quy trình này thực sự không khó thực hiện, nhưng trước đây nhiều trạm đã không thể làm được vì lượng trẻ mỗi buổi tiêm quá đông, không gian chật hẹp, cảnh tượng chen chúc, lộn xộn diễn ra thường xuyên khiến cả cán bộ y tế lẫn phụ huynh đều bó tay trong việc áp dụng quy định tưởng giản đơn này.

Thực tế đáng ngại trên đã hoàn toàn thay đổi, nhất là vào thời điểm Đà Nẵng chính thức tiêm lại vaccine Quinvaxem 5 trong 1 ngày 24-10. Tại mỗi điểm tiêm chỉ tiếp nhận tối đa 50 trẻ/buổi. Các trẻ tiêm cùng loại thuốc được xếp lịch tiêm cùng buổi nhằm tránh lẫn lộn thuốc và lãng phí vaccine. Bên cạnh đó, việc bố trí bác sĩ khám sàng lọc trước tiêm và đội ngũ cán bộ y tế theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau tiêm được các trạm thực hiện nghiêm túc.

Sự chấn chỉnh trên đã mang lại những cái lợi rất lớn. Với những ông bố bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng, được đưa con ra trạm trong điều kiện trật tự, ít trẻ, có cán bộ thăm khám, theo dõi sát sao sẽ tạo được sự yên tâm đáng kể.

Sáng hôm qua, tại một số trạm, đã có vài trẻ phải ra về khi chưa được tiêm thuốc. Qua khám sàng lọc, các cháu bé được bác sĩ phát hiện sức khỏe không bảo đảm nên chưa thể tiêm đợt này. Dù phải trở về “tay không”, nhưng chắc chắn trong lòng của các ông bố bà mẹ, cách rà soát này càng làm tăng thêm sự tin tưởng.

Với các cán bộ y tế xã, phường, lượng công việc trên mỗi buổi được giãn ra giúp họ có thể làm tròn trách nhiệm trong mỗi bước của quy trình. Các cán bộ y tế thừa nhận, trước đây vì trẻ đến một lúc quá đông và đến bao nhiêu cũng phải tiêm cho bằng hết bấy nhiêu, nên công việc gần như chỉ cuống cuồng với gọi tên và tiêm thuốc. Trẻ trước, trong và sau tiêm ngồi lẫn lộn, không thể phân biệt hay theo dõi biểu hiện phản ứng thuốc là điều không lạ tại các trạm. Cha mẹ có cho con ra về sớm, cán bộ y tế cũng không biết đường mà quan tâm, lưu ý.

Nay thì đã khác, ghi nhận ngày đầu tiên các trạm tổ chức tiêm lại 5 trong 1, đặc biệt là việc thực hiện chặt chẽ quy trình tiêm chủng an toàn cho thấy, dù thời gian làm việc mỗi tháng sẽ phải kéo dài thêm, nhưng cũng như các ông bố bà mẹ, cán bộ y tế tỏ ra yên tâm hơn. Làm công tác tiêm chủng là một nghề đầy áp lực, nhất là trong tình hình chất lượng vaccine gây những ý kiến trái chiều như hiện nay. Thế nên, được làm đúng quy trình, những đứa trẻ đến tiêm đã được khẳng định bảo đảm sức khỏe qua việc khám sàng lọc và sau đó các bé được theo dõi sau tiêm một cách kỹ càng sẽ góp phần đáng kể hạn chế điều đáng tiếc.

Hy vọng những nỗ lực trên sẽ giúp nhiều em bé tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật một cách hiệu quả nhất.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.