.

Cần sát thực tiễn trong thiết kế đô thị

Đà Nẵng đang nỗ lực đầu tư xây dựng thành phố phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thiết kế hạ tầng đô thị đang có nhiều bất cập và đang là thách thức cho đầu tư phát triển.

Qua trận bão số 11, thành phố có trên 10% số cây xanh bị gãy, ngã đổ không khôi phục được. Trận lụt vừa qua gây thiệt hại về tài sản, hạ tầng giao thông và sinh hoạt của người dân. Suốt nhiều năm qua, thành phố cũng loay hoay chống ngập đô thị, trong đó có 2 “nút thắt” là công trình cống thoát nước qua đường Tôn Đức Thắng (cầu Đa Cô) quận Liên Chiểu và cống Lò Vôi đường Cách mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ. Những bất cập từ khâu thiết kế hạ tầng với khẩu độ nhỏ, khung giằng chịu lực trở thành rào cản trong việc tiêu thoát nước.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, việc thiết kế cống thoát qua đường Tôn Đức Thắng do Cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) xây dựng hồ sơ và thẩm định đầu tư nên… làm vậy. Ở những công trình hạ tầng thoát nước, nhiều thiết kế không phù hợp ảnh hưởng đến công tác vận hành mà nguyên nhân xuất phát từ khâu thiết kế và chịu sự chi phối của chủ đầu tư và đơn vị tài trợ vốn. Ở tuyến đường sử dụng vốn ODA như Hòa Tiến - Hòa Phong cũng phụ thuộc vào thiết kế từ các đơn vị tư vấn thiết kế do đơn vị tài trợ vốn chỉ định, vào việc áp dụng khung định suất tần kiểm soát lũ… Việc hạ cốt nền thoát lũ năm 2011 trong thời gian thi công vẫn chưa phát huy hiệu quả với việc sạt lở 12.000m3 ở trận lũ vừa qua. Công trình này cho thấy cần có thêm nhiều cầu, cống để thoát lũ.

Điều gì đang xảy ra ở công tác thiết kế hạ tầng đô thị? Đó là cơ chế, quy trình đầu tư xây dựng với chuỗi liên kết thực hiện rất bị động như trong quyết định lựa chọn giải pháp thiết kế kỹ thuật theo hướng tối ưu, hạn hẹp về kinh phí, phụ thuộc đơn vị tài trợ vốn, yếu trong khâu khảo sát thiết kế, thiếu thông tin và các cơ sở dữ liệu.

Tại cuộc làm việc với Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố vào tháng 8-2013, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa cho rằng việc thiết kế hạ tầng và quản lý đô thị phải vượt qua các bất cập hiện nay. Để giải bài toán này, ông Huỳnh Nghĩa đã đặt ra một câu hỏi như gợi ý: “Đội ngũ cán bộ, giới nghiên cứu khoa học của thành phố đang ở đâu?”.

Rõ ràng, để các công trình có thiết kế đúng với thực trạng và yêu cầu thực tiễn quy hoạch đô thị của Đà Nẵng, cần có lời giải cho sự tham gia, vào cuộc mạnh mẽ hơn của đội ngũ cán bộ khoa học của chính Đà Nẵng. Chẳng hạn, đi thẳng vào vấn đề bất cập đối với việc thiết kế cống thoát đường Tôn Đức Thắng thì tại sao không thay đổi thiết kế nơi đây là cầu cạn thay cống hộp qua đường? Cũng câu hỏi ấy, có thể đặt ra với vấn đề tại sao cây xanh ngã đổ nhiều sau bão số 11, tình trạng ngập lụt trên địa bàn quận Cẩm Lệ nói riêng và nhiều điểm khác trên thành phố nói chung…   

Hằng năm, Đà Nẵng nhận nhiều ý tưởng sáng tạo, các đề tài nghiên cứu liên quan đến phát triển đô thị bền vững. Trong đó có những ý tưởng có thể triển khai trên thực tế. Và cần hơn cả, là những ý tưởng và nghiên cứu bám sát thực tiễn đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế-xã hội, gắn với đời sống của nhân dân… Những nghiên cứu đó cần được đội ngũ cán bộ khoa học, các nhà chuyên môn của thành phố triển khai thực hiện với sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện một cách thuận lợi nhất từ phía chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Có như vậy, thì không những trên lĩnh vực thiết kế hạ tầng đô thị mà nhiều vấn đề khác về kinh tế-xã hội sẽ được giải quyết một cách sáng tạo, có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phát triển đô thị bền vững một cách thực chất trong thời gian tới.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.