Hội nghị chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua đã giúp cho những người nhận chức trách có một cái nhìn thấu đáo hơn về thực trạng này.
Theo số liệu được dẫn, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2013 quản lý thị trường cả nước đã xử lý 57.867 vụ vi phạm các loại. So với năm ngoái, số vụ không có dấu hiệu giảm trong khi các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Có đến 95% hàng hóa có thương hiệu từ cao cấp đến bình dân đều bị làm giả, làm nhái.
Theo nhận định, thời gian qua hầu hết các tỉnh biên giới và vùng duyên hải đều xảy ra hoạt động buôn lậu và buôn bán hàng nhập lậu. Sản xuất buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng có mức độ và quy mô lớn hơn trước. Gian lận thương mại diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc thuê mượn giấy phép kinh doanh, cố ý sử dụng tên cửa hàng, cửa hiệu xâm phạm các thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ; giả mạo đại lý bán hàng cho các sản phẩm, thương hiệu có uy tín đến gian lận về tiêu chuẩn chất lượng và đo lường, gian lận về giá, gian lận trong quảng cáo, khuyến mại…
Một số tỉnh, thành có đường biên giới và được xem là “điểm nóng” của hoạt động buôn lậu ở phía Nam như Tây Ninh, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh không ngần ngại nêu ra những thực trạng cũng như nguyên nhân của thực trạng đó mà chưa thể nào triệt phá tận gốc. Thực tế qua công tác kiểm tra, kiểm soát nắm tình hình ở các địa phương, lực lượng chức năng đã thể hiện sự quyết tâm cao độ của mình. Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, những bài học kinh nghiệm có được là rất quý giá. Trong quá trình thực thi lực lượng chức năng ở các địa phương vướng không ít những tồn tại: công tác kiểm tra chưa được sự đồng thuận cao của xã hội nói chung, nhất là cư dân trên vùng biên giới nói riêng. Vì lẽ đó, nhiều vụ việc lực lượng chức năng nắm chắc mười mươi nhưng chống không hiệu quả.
Hằng năm, theo chỉ đạo từ Trung ương, các địa phương đã có những đợt cao điểm trấn áp các đối tượng buôn lậu, song vẫn chưa đủ chế tài để răn đe những hành vi vi phạm pháp luật. Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cảnh báo, hàng giả không chỉ sản xuất trong nước mà một tỷ lệ không nhỏ (60-70%) hàng xuất xứ từ nước ngoài chỉ cần qua các đường mòn biên giới là có thể vào các khu chợ và di chuyển sâu vào nội địa.
Tuy chất lượng hàng hóa không cao nhưng chúng rẻ và đưa lại lợi nhuận lớn cho những đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả. Khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, chủ hàng một là bỏ chạy, hai là chấp nhận chịu phạt nhưng vẫn không từ bỏ thủ đoạn vì món lợi không nhỏ. Một trong những thủ đoạn khác mà các đối tượng vẫn hay làm là xé nhỏ lượng hàng lậu để phòng tránh việc truy tố hình sự theo pháp luật thay vì chỉ bị xử phạt hành chính theo khung quy định chỉ bằng một phần nhỏ giá trị số hàng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng buôn lậu lâu nay vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Cũng cần nói thêm, nguyên nhân khiến cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả chưa đạt hiệu quả cao là do phần lớn các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái chưa chủ động hợp tác, kết hợp với cơ quan chức năng, chưa chú trọng khâu thông tin giúp người tiêu dùng biết cách phân biệt hàng giả, hàng nhái. Doanh nghiệp xem biện pháp xử lý hành chính, phạt tiền tịch thu tiêu hủy là chính và còn xem nhẹ biện pháp dân sự khởi kiện tòa án. Ngay cả người tiêu dùng khi mua sản phẩm kém chất lượng song vẫn ngại khiếu nại đến cơ quan bảo vệ mình vì ngại thủ tục rườm rà, mất thời gian hay chính tâm lý dễ dãi trong tiêu dùng hàng giá rẻ, mẫu mã bắt mắt…
Câu chuyện hàng giả, hàng nhái và vấn nạn buôn lậu là vấn đề không mới nhưng luôn khiến các nhà chức trách đau đầu bởi tác động của nó liên quan lâu dài đến nền kinh tế. Qua những thảo luận chuyên ngành, nhiều ý kiến đồng ý với quan điểm: muốn đạt kết quả mong muốn phải có giải pháp đồng bộ cả về quan điểm chỉ đạo, pháp luật và tổ chức thực hiện.
Cơ quan thực thi phải đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy về cuộc đấu tranh này để từng bước nâng dần nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân; phải kiên quyết với nạn hàng gian hàng giả cũng như tuyên chiến với thái độ làm ăn chụp giật, gian dối; trên tinh thần phải chống như thế nào cho đạt hiệu quả cao chứ không thể lãng phí công sức và tiền của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Về mặt pháp luật, Nhà nước cần được hoàn thiện hơn trong các nghị định, sửa đổi bổ sung luật trên nhiều lĩnh vực. Điều này đòi hỏi các lực lượng chức năng phải xây dựng kế hoạch lâu dài và tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
DUYÊN ANH