.

Để bức tranh y tế tươi sáng hơn

Nhiều nội dung, giải pháp được đặt ra tại Hội nghị trực tuyến tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề y dược ngoài công lập, nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở và đội ngũ hành nghề y dược ngoài công lập, tựu chung là để lấy lại lòng tin của nhân dân sau những bê bối trong ngành y tế thời gian qua.

Tạo dựng niềm tin là điều không dễ. Khôi phục niềm tin càng khó gấp bội phần. Nhất là trong lúc sự lo ngại, lung lay niềm tin yêu của người dân đối với ngành y đang hiện hữu và mỗi ngày lại có thêm vụ việc càng làm gia tăng sự hoài nghi về chất lượng khám chữa bệnh cũng như y đức. Một loạt “gạch đầu dòng” cho những việc cần làm ngay hoặc sẽ phải làm trong thời gian sớm nhất được coi là cơ sở ban đầu để bức tranh y tế trong năm tới tươi sáng hơn.

Có thể kể đến một số hành động được cho là quyết liệt mà Bộ Y tế và các sở y tế địa phương sẽ làm trong thời gian sớm nhất gồm “thắt” lại kẽ hở trong quản lý cơ sở làm đẹp, quản lý bác sĩ làm việc ngoài giờ tại phòng khám tư, củng cố lực lượng thanh tra, kiểm soát cơ sở có yếu tố nước ngoài, chấn chỉnh đạo đức, quy tắc ứng xử nghề nghiệp…

Về hoạt động của các cơ sở làm đẹp, lâu nay, chỉ những phòng khám thẩm mỹ có can thiệp dưới da gây chảy máu mới thuộc quyền quản lý của ngành y tế. Ngoài ra, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp tự nhiên, spa, v.v… lại thuộc sự quản lý cấp phép của cơ quan khác như sở Kế hoạch và Đầu tư, LĐ-TB&XH hoặc phòng kinh tế quận, huyện. Cũng là làm đẹp nhưng lại thuộc những cơ quan quản lý khác nhau nên đã tạo kẽ hở cho các cơ sở chăm sóc sắc đẹp “làm quá” mà chưa bị ai nói. Bởi thế mới có chuyện thợ cắt tóc trở thành… bác sĩ phun mày, xăm môi, hút mụn, trị nám da hà rầm. Đụng đến kim tiêm thì cần người trong ngành y. Tuy nhiên, dù chưa qua một phút ngồi ở giảng đường y thì những chủ tiệm làm đẹp vẫn hồn nhiên… tạo hình trên gương mặt khách hàng.

Một khía cạnh khác của các cơ sở thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp là việc “nổ” trong các quảng cáo giới thiệu về năng lực hoạt động. Quảng cáo y tế lại thuộc phần quản lý của ngành thông tin truyền thông, VH-TT&DL, đặc biệt lại không có sự giám sát của ngành y tế. Theo ý kiến của các điểm cầu tại hội nghị trực tuyến sáng qua, cần có sự phối hợp giữa các ngành nêu trên với ngành y tế để kiểm soát chặt chẽ hoạt động và quảng cáo của các cơ sở y dược ngoài công lập. Tránh tình trạng một cơ sở làm đẹp lại bị chia thành nhiều mảng, trong đó mỗi ngành lại độc lập quản lý một mảng và thiếu sự liên kết nhau. Hy vọng sau đợt này, người dân sẽ bớt bị lừa bởi những quảng cáo “kêu” và những kiểu hành nghề hám lợi bất chấp uy tín, pháp luật.

Về kiểm soát hoạt động của bác sĩ bệnh viện công nhưng tham gia làm việc ngoài giờ tại phòng khám tư nhân, thực tế không đợi đến lúc vụ việc bác sĩ Tường vỡ lở, ngành y tế mới lên tiếng quản lý đối tượng này. Hằng năm, hằng quý vẫn có các đợt thanh tra về hành nghề y dược tư nhân. Song, tình trạng bác sĩ vừa khám bệnh, vừa bán thuốc, không kê toa, v.v… vẫn diễn ra phổ biến là ví dụ cho thấy sự nghiêm minh trong thanh, kiểm tra cũng như mức độ tôn trọng quy định của các bác sĩ này là như thế nào.

Thế nên, cái người dân cần để có lại lòng tin với ngành y là sau những kết luận hội nghị, văn bản quy định, thông tư hướng dẫn này nọ là sự thay đổi thấy rõ trong việc chấp hành quy định hành nghề tư nhân của đội ngũ y, bác sĩ.

Một vấn đề được cho là nguyên nhân của những buông lỏng quản lý y tế trong thời gian qua khiến hoạt động khám chữa bệnh tư nhân trở nên khó kiểm soát, là đang tồn tại mâu thuẫn giữa lực lượng tham gia khám chữa bệnh ngoài công lập ngày càng đông và số lượng thanh tra vẫn cứ mỏng. Lấy ví dụ địa phương có lực lượng thanh tra hoành tráng nhất nước là thành phố Hồ Chí Minh với 45 người. 45 thanh tra/13.000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã được coi là nhiều, thì so với trung bình từ 2-4 thanh tra/địa phương đủ thấy “bộ lọc” hành nghề mỏng như thế nào.

Cần tăng số lượng thanh tra là điều hợp lý. Nhưng quan trọng vẫn là chất lượng thanh tra và chế tài xử lý vi phạm. Vẫn còn thanh tra viên lách luật vì mục đích thu lợi, vẫn còn tình trạng trình độ thanh tra chưa đồng đều trên các lĩnh vực ảnh hưởng đến hiệu quả thanh tra là điều Bộ Y tế đã thừa nhận. Bên cạnh đó, làm thế nào chấm dứt kiểu thanh tra xong, đi về thì sự việc vi phạm lại tiếp diễn, nghĩa là cần trao quyền và điều kiện làm việc cho thanh tra nhiều hơn, tốt hơn thì mới mong dẹp loạn phớt lờ thanh tra.

Từng nấy việc nêu trên thôi trong hàng loạt vấn đề cấp bách đủ thấy hành trình thu phục lòng tin của nhân dân là không nhẹ nhàng đối với ngành y tế. Ngành y tế đang sửa sai một cách nghiêm túc, điều này dễ hay khó tin? Câu trả lời nằm ở chính ngay hiệu quả của những thay đổi mà Bộ Y tế đã đề ra, chứ không chỉ trên những đổi thay ở những “gạch đầu dòng” của các văn bản quy định.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.