.

Để ngư dân vững vàng vươn khơi

Ngay khi siêu bão Haiyan vừa tan, ngư dân miền Trung với gần 2.000 phương tiện trú tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) lại ra khơi, trong lòng mong mỏi bội thu từ chuyến biển mới giữa mùa mưa bão này. Một điều rất mừng là nhờ chủ động phòng tránh nên các phương tiện không bị hư hại do bão, vì thế ngư dân lại vươn khơi với một tâm trạng tự tin, phấn chấn.

Thế nhưng, theo dự báo, một áp thấp nhiệt đới hình thành và có khả năng mạnh lên thành bão đang tiến vào Biển Đông. Đó là một trong những mối nguy đe dọa trực tiếp đến chuyến ra khơi lần này của ngư dân Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung; khiến họ có phần lo lắng, bất an. Trong lúc này, điều ngư dân cần là thông tin dự báo bão chính xác để họ có sự chuẩn bị chu đáo trong quyết định thời gian đi biển, chủ động trong việc ứng phó với thời tiết trên biển…

Bởi, nếu sự chuẩn bị không chu đáo, tính toán không hợp lý thì dễ tiêu tốn nhiên liệu và nhân công mà không đem lại hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, không để ngư dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác… nhất là trong tình hình siêu bão Haiyan đã không đổ bộ vào miền Trung như dự báo vừa qua. Những bài học về sự cẩn trọng, chu đáo, cương quyết… của chính quyền cũng như các lực lượng chức năng cần tiếp tục được phát huy, để ngư dân cảm thấy vững lòng hơn khi ra khơi trong chuyến biển này.

Có thể nói, trong thời gian qua, cụ thể hóa Chương trình hành động của Thành ủy về triển khai Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Đà Nẵng đã có những sự đầu tư thích đáng và dài hơi cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng và lợi thế từ biển, bảo đảm cho phát triển kinh tế-xã hội đồng thời với giữ vững quốc phòng-an ninh; trong đó có việc hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước; xây dựng đội tàu cá có công suất lớn để vươn khơi…

Việc hỗ trợ vốn để đóng mới tàu công suất lớn; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; xây dựng các tổ đội hợp tác trên biển; hỗ trợ trang thiết bị về thông tin liên lạc; tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn… cùng những chính sách hỗ trợ cụ thể khác đã làm cho ngư dân an tâm đầu tư mạnh mẽ hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển của Đà Nẵng đi đúng hướng. Đồng thời qua đó, ngư dân cũng góp phần quan trọng vào việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn đó những nỗi lo, không chỉ trước những diễn biến ngày càng bất thường về thời tiết. Đó là nỗi lo về chất lượng của tàu cá và của chính đội ngũ lao động trên biển. Mặc dù đã được chú trọng trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề nhưng kinh nghiệm và kiến thức của đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, người lao động trên tàu vẫn chưa thực sự yên tâm. Chất lượng đội tàu mới đóng đáp ứng yêu cầu, nhưng với tàu cũ đang là nỗi lo thực sự của ngư dân mỗi khi vươn khơi. Bên cạnh đó là nỗi lo từ gần 200 tàu cá chưa đăng kiểm trong khi ngư dân luôn đối đầu với thời tiết bất thường trên biển…

Vì vậy, để ngư dân vững vàng vươn khơi, thì cần có sự đầu tư đồng bộ, cơ bản, đúng định hướng và quyết liệt cho chiến lược biển; không chỉ tập trung về mặt quản lý Nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực của ngư dân trong  việc đầu tư, nâng cao chất lượng phương tiện, thiết bị đến trình độ, kiến thức trong quá trình lao động.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.