.

Động lực mới cho phát triển

Ngày  12-11-2013, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 75-KL/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát riển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là văn kiện đặc biệt quan trọng trong việc định hướng phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Trước đó, trong chương trình làm việc toàn khóa của Bộ Chính trị, ngày 17-10-2013, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã báo cáo với Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW.

Thành tựu của 10 năm 2003-2013 là khá toàn diện. Với thành phố là một giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng. Đà Nẵng đã chuyển một cách vững chắc từ yêu cầu của một đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, sang quy mô của một đô thị loại 1 cấp quốc gia. Giá trị kinh tế của thành phố sau 10 năm tăng gấp 3 lần và GDP bình quân đầu người tăng gấp 5,4 lần so với 2003. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, năng lực thị trường không lớn, môi trường kinh tế trong nước và thế giới không ngừng biến động theo hướng xấu, thì việc Đà Nẵng cứ hơn 3 năm tăng gấp đôi GDP là kết quả rất đáng tự hào. Mười năm, chúng ta đã gần như xây dựng mới một thành phố. Bộ mặt đô thị có sự thay đổi sâu sắc, gần 10 cây cầu bắc qua sông Hàn, cả một phía đông thành phố được thức tỉnh và trở nên sầm uất. Nếu trước đây, cả thành phố chỉ hơn 400 con đường có tên, thì sau 10 năm con số đó đã hơn 1.400. Hầu như toàn bộ các tuyến đường trong nội thị đều được làm mới, hàng trăm khu đô thị mới ra đời. Chúng ta không tự hào là có hơn 100.000 hộ (chiếm gần 1/3 tổng số hộ dân thành phố) đã di dời, nhưng chúng ta có thể tự hào về tấm lòng đồng thuận của nhân dân, đã vượt qua được những so tính thiệt hơn, để cùng với thành phố xây dựng nên kỳ tích Đà Nẵng như hiện nay. “5 không” “3 có” không chỉ là cách sắp xếp những công việc xã hội đại sự đang và sẽ làm, mà còn nói lên một điều lớn hơn: nếu có quyết tâm chính trị và cách triển khai quyết liệt, thì việc khó mấy cũng thành công. Điểm quyết định là nhân dân hiểu, ủng hộ và đồng tâm thực hiện. Một ví dụ, xây dựng thành phố không có người lang thang xin ăn, tưởng rằng là chuyện nhỏ, song khi triển khai mới thấy vô số việc cụ thể phải làm. Cái gốc là phải làm cho người dân đủ ăn và một loạt các biện pháp cụ thể và quyết liệt mới có thể thực hiện được điều “nhỏ” này. Ngày nay, du khách đến thành phố, một trong những điều gây thú vị về một môi trường du lịch văn minh là không có cảnh người ăn xin mà hầu như đô thị nào cũng có.

Vui mừng về những điều đạt được, chúng ta càng thấm thía những hạn chế, yếu kém mà Bộ Chính trị chỉ ra. Thời gian tới đặt ra cho đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân Đà Nẵng những thách thức mới. Yêu cầu có tính lịch sử là xác định cho được động lực mới để xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung. Chúng ta hiểu rằng việc tìm, xác định đúng những lợi thế và bất lợi thế để có “động lực mới” trong bối cảnh cạnh tranh đầu tư gay gắt, thị trường luôn biến động hiện nay là điều cực kỳ khó khăn.

Động lực mới có nghĩa là những nguồn lực, chính sách và cách làm trong quá khứ có thể không còn phù hợp trong giai đoạn mới. Cuộc sống luôn đòi hỏi phải   có cách nghĩ, cách tiếp cận và cách làm mới. Trước hết là phải xác định được các lợi thế và bất lợi thế của thành phố. Về nhận thức không ai không biết là một nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững phải xuất phát từ động lực kinh tế, song trong thực tế để làm được điều này là cả một quá trình. Thành phố phải tập trung tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, phải đổi mới căn bản cách xúc tiến đầu tư, với quan điểm rằng hiệu quả của doanh nghiệp chính là động lực cho thành phố phát triển. Các rào cản đối với doanh nghiệp cũng chính là rào cản của thành phố. Việc một số mặt hàng mới có sức cạnh tranh trên thị trường được sản xuất gần đây của thành phố, việc năm 2013, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đà Nẵng đạt trên 1.000 triệu USD là những tín hiệu tích cực cho thấy sự chuyển biến nguồn thu của thành phố không còn lệ thuộc quá lớn vào việc khai thác quỹ đất là những biểu hiện cho thấy sự thay đổi   kinh tế của thành phố theo hướng vững chắc hơn.

Làm thế nào để Đà Nẵng trong khi phát triển tạo được cái riêng của mình. Một môi trường lành mạnh, một nền hành chính mà những người điều hành phải là những công bộc thật sự của nhân dân. Văn hóa là động lực và mục tiêu cho phát triển không chỉ là khẩu hiệu, mà còn là sự thể hiện sinh động trong đời sống hằng ngày.

Bằng việc ban hành Kết luận số 75-KL/TW, chúng ta hiểu rằng trong sự phát triển của thành phố có sự quan tâm to lớn của Bộ Chính trị, sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, của các địa phương, nhất là các tỉnh trong khu vực. Chúng ta càng hiểu sâu sắc yêu cầu mới và tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện thắng lợi kết luận của Bộ Chính trị. Bằng sự đồng thuận của nhân dân, sự thống nhất trong đảng bộ, sự năng động của đội ngũ cán bộ các cấp và của các doanh nghiệp trên địa bàn, chúng ta đang từng ngày viết tiếp những thành tựu mới, để đến năm 2023 có thể  tự hào về những đóng góp có ý nghĩa, để Đà Nẵng thật sự là là một đô thị lớn của cả nước, là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của miền Trung và Tây Nguyên.

NGHỊ VĂN
 

;
.
.
.
.
.