.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

1.

160 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước được Bộ GD-ĐT tôn vinh vào cuối tuần qua là 160 câu chuyện đẹp về những người tận tâm với nghề, thương yêu học trò, tích cực đổi mới trong dạy học, quản lý cũng như nghiên cứu khoa học…, trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Lê (Trường tiểu học Lâm Quang Thự, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).  

Những câu chuyện được kể từ lễ tôn vinh này thật xúc động. Đó là chuyện về những thầy, cô giáo cắm bản, vượt qua bao khó khăn vẫn bám trường, kiên trì vận động học sinh ra lớp; những thầy, cô giáo khuyết tật nhưng vẫn không thôi ước vọng sống có ích, làm đẹp cho đời; và cả những thầy, cô giáo miệt mài bồi dưỡng, đào tạo nhiều học sinh giỏi, với mong muốn thế hệ trẻ phải vừa hồng, vừa chuyên để đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Việc 160 nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh là niềm vui, sự khích lệ và cũng là động lực cho tất cả thầy, cô giáo các cấp. Gọi là “động lực” bởi việc phấn đấu cho sự nghiệp trồng người không phải để được xướng tên và nhận bằng khen, mà đơn thuần là để hoàn thành thiên chức cao quý dạy chữ - dạy người mà xã hội vốn đặt trọng trách và kỳ vọng.  

Giữa lúc còn lắm tất bật, lo toan bởi áp lực cơm - áo - gạo - tiền thì việc gắn bó với nghề dạy học bằng cái tâm trong sáng là điều không dễ. Vì vậy, chúng ta càng trân trọng những con người đã và đang hết lòng vì học sinh thân yêu, chỉ với mục đích: làm cho học sinh cảm nhận mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

2.

Tôi đã gặp và lặng người trước một thầy giáo khiếm thị - cựu học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - bao năm qua nuôi dạy 21 em học sinh khuyết tật, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ. Khó khăn chồng chất, thậm chí phải chạy ăn từng bữa để lo cho các em nhưng thầy giáo này vẫn lạc quan. Anh nói rằng, phải lạc quan để sống, để còn mang niềm hy vọng đến cho 21 học sinh của mình, trong đó có những em từ nhỏ đã không nhìn thấy ánh sáng. Nhìn lớp học ấy rộn vang tiếng đàn, tiếng hát trước khi bắt đầu giờ học, chắc hẳn ai đến đây cũng sẽ hiểu rằng, với các em nhỏ này, mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui.

Hay thầy Nguyễn Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Vân (quận Liên Chiểu), mà báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 17-11-2013 đề cập trong bài viết “Vẫn chọn lối đi này” cũng hết lòng vì học sinh. Cơ sở vật chất của trường trở nên khang trang hơn, học sinh được hỗ trợ nhiều hơn từ các mạnh thường quân phần lớn nhờ thầy ra sức vận động, bởi hầu hết gia đình các em ở đây có hoàn cảnh khó khăn. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu nói rằng, nhìn khuôn viên trường sạch đẹp thì sẽ hiểu tấm lòng của thầy hiệu trưởng. Điều này đúng không chỉ với Trường tiểu học Hải Vân, Trường tiểu học Trần Bình Trọng (cũng trên địa bàn quận Liên Chiểu), mà còn với nhiều trường khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

3.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) là dịp để mỗi người tạm gác những tất bật trong cuộc sống để nghĩ đến những người thầy, cô giáo của mình - những người chèo đò cần mẫn. Hết chuyến đò này sang sông, các thầy, cô lại quay về tận tụy đưa những chuyến đò khác. Cứ thế, ngày qua ngày, đã có bao khách sang sông, bao thế hệ học trò trưởng thành. Theo dòng thời gian, niềm vui hay nỗi buồn rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người ở lại; những người học trò ngày xưa ngỗ nghịch thì nay nhớ về người thầy, người cô của mình bằng sự tri ân sâu sắc.

Hiểu như thế để thấy rằng, dù còn những điều trăn trở, “gợn sóng” thì nghề dạy học vẫn luôn là nghề cao quý trong những nghề cao quý; những người thầy, cô giáo yêu thiên chức của mình đều nỗ lực hoàn thiện bản thân và dạy học bằng tình yêu thương, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui với học sinh.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.