.

Tầm nhìn chính sách

Chỉ trong vòng 5 tháng, Bộ Xây dựng ban hành liên tiếp 3 văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở thuộc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Với Thông tư 18/2013/TT-BXD ngày 31-10-2013 mới đây, dư luận một lần nữa hy vọng những quy định mới sẽ thông thoáng, phù hợp, đồng bộ, đi vào cuộc sống nhanh hơn, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, đối chiếu giữa những văn bản đã phát hành và diễn biến tình hình thực tế cho thấy tình hình hoàn toàn không khả quan.

Một số nội dung mới sửa đổi vẫn còn sa vào “tiểu tiết”, đôi khi không cần thiết, có nguy cơ diễn dịch theo nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với những quy định pháp luật khác. Ví dụ, điều kiện để cá nhân được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 07/2013/TT-BXD là những đối tượng thuộc diện “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội”, nay Thông tư 18 bổ sung thêm “… chưa có nhà ở nhưng có đất ở và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích đất ở đó nhỏ hơn diện tích đất được cấp phép xây dựng theo quy định của UBND cấp tỉnh”. Quả là lòng vòng, phiền phức! Hoặc để được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng, Bộ Xây dựng “không yêu cầu phải xác nhận về thu nhập, trừ trường hợp ngân hàng yêu cầu khách hàng chứng minh về thu nhập để bảo đảm cho phương án trả nợ thì thực hiện theo các quy định của ngân hàng”.

Đây là cách diễn giải pháp luật thiếu nhất quán, mâu thuẫn và không chặt chẽ, bởi vì vấn đề chứng minh thu nhập trả nợ là nguyên tắc “bất di bất dịch” khi vay vốn và người vay phải có trách nhiệm đáp ứng thủ tục này theo quy chế cho vay của các ngân hàng. Mong muốn của hệ thống ngân hàng thương mại là các ngành có liên quan sớm ban hành thủ tục pháp lý về công chứng và đăng ký giao dịch thế chấp quyền sở hữu căn hộ chung cư nhà ở xã hội/ nhà ở thương mại, tuy nhiên đến nay mọi việc gần như giậm chân tại chỗ mặc dù vài tháng trước đây giữa NHNN Việt Nam và Bộ Tư pháp đã có dự thảo văn bản về chủ trương này.

Một mặt, NHNN luôn lên tiếng khẳng định rằng tiền đã chờ sẵn để giải ngân, mặt khác Bộ Xây dựng “liên tục” phát hành văn bản hoặc đăng đàn online nhằm “gỡ rối” các vướng mắc phát sinh, nhưng gần như tốc độ cho vay vẫn tiến triển rất chậm chạp. Nguồn vốn vay mới chỉ tập trung vào khối cán bộ viên chức Nhà nước và lực lượng vũ trang, chủ trương này đâu dễ đến với mọi người dân? Nguyên nhân của mọi nguyên nhân hiện nay nằm ở chỗ “tầm nhìn chính sách”. Đối với mỗi người dân, nhà ở là phương tiện vô cùng thiết yếu, nhiều khi là “gia tài cả đời hoặc nhiều đời”. Chính sách nhà ở vì vậy luôn là một trong những “quốc sách” lớn của mọi quốc gia, ở nước ta điều này đã được minh định bằng “quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở” ghi trong Hiến pháp và Luật Nhà ở hiện hành. Để thực thi chủ trương này đòi hỏi phải ban hành một hệ thống pháp luật đồng bộ, có hiệu lực, có tính khả thi theo từng thời kỳ. Trong đó, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mọi công dân, trách nhiệm của Nhà nước các cấp và các cơ quan hữu quan, bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng công bằng chính sách nhà ở theo quy định pháp luật.

Chiến lược nhà ở trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế rất nhiều năm qua chúng ta đã giải quyết vấn đề theo kiểu chắp vá, sai đâu sửa đó, không đến nơi đến chốn, dẫn đến tình trạng “ngổn ngang”, thậm chí “hỗn loạn” chưa có điểm dừng. Gói tín dụng 30.000 tỷ trên thực tế chỉ mới là giải pháp tài chính mang tính chất tình thế nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn về nhà ở gắn với giải tỏa tồn kho bất động sản trong giai đoạn thị trường ảm đạm hiện nay. Cũng khó trách Bộ Xây dựng khi được phó thác đứng ra chủ trì xử lý những vướng mắc tồn tại tích lũy qua bao nhiêu năm, bởi lẽ cơ quan này sẽ không đủ tầm + thẩm quyền + năng lực để giải quyết một loạt câu hỏi thuộc diện “tầm nhìn chính sách” mang tính quốc kế dân sinh quan trọng như chính sách nhà ở. Để mọi công dân có cơ hội sở hữu nhà ở, cần tiến hành một số giải pháp cơ bản trước mắt và lâu dài như sau:

Đối với Chính phủ, trước hết cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là Luật Nhà ở. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm chủ trì của Nhà nước trong chiến lược tạo lập nhà ở cho công dân. Thành lập một ủy ban chuyên trách, mang tính liên ngành, xây dựng và điều hành thực thi chiến lược nhà ở. Nội dung chiến lược nhà ở phải đồng bộ từ khâu hành lang pháp lý, quy hoạch, xây dựng, huy động vốn… với phương châm nhà ở phải có giá cả (mua/ thuê mua/ thuê) phải chăng, bảo đảm chất lượng cao, tiện nghi mẫu mã linh hoạt, phù hợp với từng phân khúc thị hiếu tiêu dùng của người dân có mức thu nhập trung bình và thấp.

Đối với người dân, phải xây dựng ngay từ đầu ý thức tiết kiệm tạo lập nhà ở từ khi bước vào tuổi trưởng thành. Mọi công dân có việc làm đều có nghĩa vụ bắt buộc tham gia đóng góp vào quỹ tích lũy tiết kiệm nhà ở do Chính phủ bảo trợ thành lập và điều hành, gắn với chính sách bảo hiểm an sinh xã hội. Những công dân thuộc diện có thu nhập thấp và trung bình, khi hội đủ mức tiết kiệm tối thiểu theo quy định sẽ được tiếp cận với nguồn vốn tài trợ của chính phủ hoặc của ngân hàng để có điều kiện mua/ thuê mua/ thuê nhà ở xã hội.

Chính phủ có biện pháp khuyến khích hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường bất động sản gắn với thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội thông qua nhiều chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ quy hoạch đất đai, tài trợ vốn lãi suất thấp… nhằm tạo nguồn cung nhà ở ngày càng dồi dào, chất lượng cao, giá thành hạ để người dân có cơ hội lựa chọn tùy vào khả năng thu nhập có khả năng thanh toán.

“Tầm nhìn chính sách” trên nhiều phương diện quản lý Nhà nước nói chung hiện đang yếu và thiếu, bộc lộ nhiều lỗ hổng trách nhiệm và năng lực. Đây là thực tế đáng lo lắng, tất yếu gây nhiều hậu quả và cản trở đến quá trình phát triển bền vững của đất nước. Câu trả lời tuy dễ thấy nhưng không dễ làm, bởi nếu muốn xây dựng được “Tầm nhìn chính sách” thì trước hết phải vượt qua hai “cửa ải” khó khăn nhất: con người và tư duy hoạch định chính sách.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.