.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Rất nhiều lần, trong các phiên chất vấn những “tư lệnh ngành” của Chính phủ tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập những vấn đề bức xúc đang được dư luận quan tâm như thủy điện xả lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tham nhũng vẫn tăng và ngày càng tinh vi, phức tạp; y đức xuống cấp dẫn đến những tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng; tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản… Và chốt lại, đa phần các đại biểu đều đặt câu hỏi: Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi những nội dung được đề cập tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội lần này, không chỉ đại biểu mà hàng triệu người dân Việt Nam bức xúc trước những tiêu cực đang nảy sinh ở rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Và điều mà người dân mong muốn là Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra được đó là ai, bộ, ngành nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra những vụ việc tiêu cực đang gây xói mòn lòng tin của nhân dân hiện nay?

Bộ trưởng Bộ Y tế tuy không đăng đàn trả lời chất vấn nhưng cũng đã có những ý kiến phản hồi về câu chuyện gây bức xúc trong nhân dân khi một bác sĩ nhẫn tâm phi tang xác bệnh nhân do sơ suất trong phẫu thuật dẫn đến tử vong. Chí ít, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận y đức “đang có vấn đề” và vụ việc này “là một lần cảnh tỉnh toàn bộ ngành y tế vượt qua khó khăn và quyết tâm sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm”. Tuy nhiên, việc truy trách nhiệm đến tận gốc rễ của vụ việc xem ra cũng chưa ngã ngũ. Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai đối với trường hợp này còn bỏ ngỏ.

Tiếp đến, khi đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm về việc thủy điện xả lũ gây ngập nặng và là một trong những tác nhân khiến hàng chục người chết, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng thì các bộ, ngành lại đùn đẩy trách nhiệm. Kể cả việc ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện trong năm 2013, Bộ Công thương lại cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Không ai chịu trách nhiệm thì lấy đâu ra “địa chỉ” cụ thể để người dân “bắt đền” khi thủy điện “góp tay” khiến cho cuộc sống của bao người lao đao?

Ngay cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời câu hỏi về việc con số 30% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” cũng không đưa ra được câu trả lời rõ ràng liệu con số này từ đâu ra, có chính xác hay không. “Tư lệnh ngành nội vụ” cũng né tránh nhiều vấn đề rất cụ thể mà đại biểu hỏi, bao gồm cả việc truy trách nhiệm khi bộ máy cán bộ biên chế Nhà nước ngày càng phình to và số lượng “tăng đều” hằng năm. Thế nhưng, cách mà vị Bộ trưởng này trả lời rốt cuộc cũng chỉ quy cho cơ chế, chính sách, hay sự giám sát, chỉ đạo của cơ quan cấp trên chứ không nhận rõ trách nhiệm của ngành trong từng khuyết điểm vẫn tồn tại.

Cũng có trường hợp, một vấn đề bức xúc được đặt ra, vị “tư lệnh ngành” chỉ ra rất nhiều nguyên nhân và tựu chung, những nguyên nhân đó liên quan đến nhiều cấp, ngành khác nhau. Và rốt cuộc, cái tên để đặt lên top đầu danh sách cần phải đứng ra chịu trách nhiệm về sai sót thì lại không được làm rõ. Đáng tiếc là ngay trên diễn đàn Quốc hội, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn tồn tại khi chính các “tư lệnh ngành” của Chính phủ không trả lời và giải đáp thỏa đáng các ý kiến bức xúc mà đại biểu Quốc hội chất vấn. Ngay cả những người dân khi xem truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn cũng thất vọng với những câu trả lời vòng vo, dài dòng, không đi thẳng vào vấn đề của các Bộ trưởng.

Thực tế đời sống chính trị - xã hội hiện nay cho thấy, việc truy trách nhiệm khi những ngành, địa phương, đơn vị để xảy ra sai sót, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội là điều cần làm. Người dân luôn muốn mọi vấn đề đều phải được công khai, khen thưởng, xử phạt rõ ràng. Và trên hết, làm rõ trách nhiệm của sai sót nào đó thuộc về ai, ngành nào suy cho cùng cũng để nắm tận gốc vấn đề mà sửa chữa những tồn tại, hạn chế. Trước đây, dư luận vẫn đề cập câu chuyện cán bộ, công chức phải biết nói lời “xin lỗi” khi làm sai, hoặc mạnh hơn là hình thành “văn hóa từ chức” khi những vị lãnh đạo đầu ngành nào đó không hoàn thành nhiệm vụ và những cam kết trước dân. Cốt lõi việc này cũng là để xây dựng một xã hội tốt hơn, khi những hạn chế, thiếu sót được “chỉ mặt, đặt tên” và được “bốc thuốc” cứu chữa kịp thời. Có như vậy, người dân mới hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống chính quyền, vào những công bộc mà họ bầu chọn để lãnh đạo, điều hành sự phát triển của xã hội.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.