.

Tử tế với thiên nhiên

34 người chết và mất tích, 3 người bị thương là thiệt hại về người trong cơn lũ dữ đang xảy ra ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, tính đến sáng 17-11. Một con số đau lòng! Nhiều làng mạc, hàng nghìn ngôi nhà chỉ sau một đêm bị nhấn chìm trong biển nước. Nhiều người dân miền Trung nghèo khó phải thốt lên “Lũ về nhanh, trở tay không kịp”. Thiên tai ngày càng khắc nghiệt và khó lường! Nhưng câu chuyện lũ lụt không chỉ hoàn toàn do thiên tai mà được “tiếp sức” bởi chính con người.

Lũ lụt ở miền Trung - Tây Nguyên, trong đó nhiều nơi vượt mốc lịch sử, xảy ra khi trên nghị trường Quốc hội vẫn còn “nóng ran” chuyện quy hoạch tràn lan thủy điện, việc cấp phép ồ ạt và buông lỏng quản lý các dự án thủy điện trong cả nước, đặc biệt ở miền Trung. Nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thừng cho rằng, các chủ đầu tư thủy điện chủ yếu vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ dân sinh. Thậm chí, có đại biểu khẳng định đây là hậu quả của một thời kỳ rộ lên phong trào khắp nơi làm thủy điện. Trong đợt lũ lụt này, ngoài nguyên nhân do mưa lớn trong thời điểm ngắn như nhận định của cơ quan chuyên môn, một nguyên nhân nữa khiến lũ lên quá nhanh, quá bất ngờ là các thủy điện đồng loạt xả tràn khiến lũ chồng lũ, nhiều nơi, nhiều địa phương “trở tay không kịp”. Số liệu thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho thấy, đến sáng 17-11 đã có 13 hồ thủy điện ở khu vực này xã tràn, trong đó 6 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s, như Sông Tranh 2: 2.046m3/s; Đăk Mi 4A: 491m3/s; sông Ba Hạ: 3.400m3/s; Yaly: 740m3/s; Sê San 3: 680m3/s; Sê San 4: 912m3/s; Sê San 4A: 1.724m3/s. Mưa lớn cộng với các hồ thủy điện xả lũ khiến nước dâng cao nhanh chóng là điều dễ hiểu! Song, câu chuyện thủy điện mùa mưa xả lũ khiến đồng bằng ngập lũ, mùa khô tích nước khiến vùng hạ du hạn hán, ruộng đồng khô khốc, năm nào cũng nhắc đến nhưng chưa bao giờ có câu trả lời thỏa đáng và đáng nói hơn, không thấy ai nhận trách nhiệm.

Cùng với thủy điện, rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng cũng là nguyên nhân khiến nước đổ về các sông nhanh hơn trước đây. Rừng bị tàn phá do đâu nếu không phải là ở đây: Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2006-2012, có 160 dự án thủy điện thuộc 29 tỉnh, thành phố trong cả nước đã lấy đi 19.792ha rừng nhưng diện tích rừng trồng hoàn trả lại chỉ là 735ha, đạt... 3,7% so với yêu cầu. Khi rừng đầu nguồn, bức bình phong che chắn nước như trước đây bị san bằng, không còn nữa, thì lũ về nhanh trên các sông cũng là điều dễ hiểu!

Sau khi “siêu bão” Haiyan với sức gió ghi nhận mạnh nhất lịch sử tàn phá Philippines làm hàng nghìn người thiệt mạng, đe dọa các tỉnh miền Trung và đồng bằng Bắc bộ nước ta, những cảnh báo được đưa ra về sự cuồng nộ của thiên nhiên ngày càng khốc liệt, thường xuyên và khó lường hơn. Riêng về bão, đến thời điểm này, trên Biển Đông đã có 15 cơn bão (chưa kể áp thấp nhiệt đới), vượt mức kỷ lục năm 1964 (năm có 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới). Chưa bao giờ trong một năm lại có nhiều cơn bão, lại xuất hiện liên tiếp, dồn dập, như năm nay. Và hầu như các cơn bão đều nhắm vào khúc ruột miền Trung. Sau bão chồng bão là lũ chồng lũ và miền Trung lại oằn mình gánh chịu. Người ta ví von miền Trung là chiếc đòn gánh gánh hai đầu đất nước, trong trường hợp này đúng lắm: gánh hết bão to đến lũ dữ. Thậm chí, không biết bao lần các tỉnh miền Trung vừa gượng dậy sau một cơn bão, đợt lũ trước thì lại gồng mình hứng lấy cơn bão, lũ sau. Lũ sau nối bão trước, người dân miền Trung đã khốn khó càng thêm khốn khổ!

Thiên nhiên đã ban tặng cho con người nhiều thứ, cho chúng ta cuộc sống đủ đầy, nhưng chính thiên nhiên hằng năm cũng lấy đi của chúng ta rất nhiều thứ. Có những thứ bị lấy đi vĩnh viễn. Và khi thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường như vậy, một lần nữa người ta nói đến yếu tố tác động của con người: trong thiên tai có nhân họa, do chính con người gây nên.

Đối phó với thiên tai, cụ thể như cơn lũ này, con người chỉ còn một cách là hạn chế thiệt hại, về người lẫn tài sản, đến mức thấp nhất. Cho nên, không gì tốt hơn là phòng bị ngay từ đầu, nghĩa là phải đối xử tử tế với thiên nhiên. Nghĩa là các dự án thủy điện phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách đầy đủ và khoa học nhất. Nghĩa là không thể xây dựng thủy điện một cách ồ ạt và bất chấp mọi quy luật tự nhiên. Nghĩa là không thể xây dựng thủy điện chỉ vì lợi ích kinh tế, lợi ích trước mắt mà xem nhẹ, thậm chí bỏ qua yếu tố dân sinh.

Làm được như vậy, có thể chúng ta không ngăn được lũ dữ, nhưng chắc chắn một điều, hạn chế được một phần sự khắc nghiệt của thiên tai!

ĐÀ NAM

;
.
.
.
.
.