.

Vì sao dịch bệnh không giảm?

Con số thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cuối tháng 10-2013 cảnh báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn lên đến đỉnh điểm.

Riêng về dịch bệnh sốt xuất huyết đã có 1.409 trường hợp mắc, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2012, trong đó 1 trường hợp tử vong nghi do bệnh này gây ra. Bệnh tay-chân-miệng có 2.348 ca mắc. Nhiều nhất là dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh trong tháng 9 và tháng 10 với con số kỷ lục là 7.188 ca bệnh được ghi nhận ở rất nhiều địa phương, trường học, công sở.

Những con số trên cho thấy tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với ngành y tế trong công tác phòng ngừa, vì các bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng từ năm 2010 đến nay luôn có chiều hướng diễn biến phức tạp do kéo từ đầu năm đến cuối năm. Những năm trước, dịch đau mắt đỏ ở Đà Nẵng chỉ rải rác vài trăm trường hợp, nay dịch bùng phát với chủng virus làm cho bệnh kéo dài hơn, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Điều đáng lo là mặc dù thành phố đã có những đôn đốc, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh kịp thời; ngành y tế chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhiều biện pháp phòng dịch tại cộng đồng ngay từ đầu năm, song số trường hợp mắc bệnh vẫn không giảm mà tăng cao so với những năm trước. Chính điều đó tiếp tục gây khó khăn cho ngành y tế trong công tác dự phòng và ngăn ngừa bùng phát dịch trên diện rộng. Thêm nữa, do có vị trí là đầu mối giao thông lớn của khu vực miền trung và cả nước về đường biển, đường không, đường bộ nên Đà Nẵng là địa phương thường bị ảnh hưởng do lây lan dịch bệnh.

Phân tích của các chuyên gia dịch tễ học cho thấy, có 4 nguyên nhân lớn dẫn đến tình hình dịch bệnh phức tạp như trong thời gian qua. Trước hết, do chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng và cả dịch đau mắt đỏ. Trong khi đó, các loại virus gây bệnh ngày càng biến thể, khó xác định và độc tính ngày càng cao hơn. Thứ hai, thời tiết gần đây diễn biến phức tạp. Bão lụt xuất hiện thường xuyên khiến cho môi trường ô nhiễm, dễ xuất hiện côn trùng gây bệnh. Thứ ba, mặc dù ngành y tế đã nỗ lực, cố gắng lớn trong công tác chuyên môn, cảnh báo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhưng thực tế khách quan cho thấy đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng ở cấp cơ sở hiện nay còn thiếu.

Đó là chưa nói sự thiếu năng nổ, nhiệt tình, tận tâm của một bộ phận cán bộ làm công tác điều tra, giám sát, cảnh báo dịch bệnh. Nhưng đáng lo nhất, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng là do chính ý thức phòng bệnh của một bộ phận người dân chưa cao. Điều này thể hiện ở chỗ nhiều tổ dân phố chưa tích cực hưởng ứng các chương trình làm sạch môi trường sống của thành phố. Có chăng cũng chỉ làm qua loa chiếu lệ nên không mang lại kết quả. Bởi, hiện tại rất dễ nhận thấy tại nhiều khu nhà trọ cho sinh viên, công nhân thuê tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn đến nước đọng sinh muỗi gây bệnh. Đây chính là nơi phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Đối với bệnh tay-chân-miệng, mặc dù khuyến cáo cần tuân thủ những nguyên tắc bảo đảm vệ sinh cá nhân nhưng nhiều gia đình xem nhẹ. Thậm chí, cá biệt có những gia đình thờ ơ, đứng ngoài cuộc khi cán bộ dịch tễ đến làm nhiệm vụ ngay tại nơi mình sống.

Vấn đề quan trọng đặt ra trong lúc này là cần đưa ra những giải pháp khả thi hơn để ngăn chặn dịch bệnh tăng cao, không để tình trạng tiếp tục chạy theo dịch bệnh để phòng chống như trong những năm qua. Điều đó tất nhiên không hề đơn giản nhưng cũng không thể không làm. Bởi, nếu một khi nhiều dịch bệnh bùng phát trong cùng một thời điểm, số ca bệnh tăng cao thì công tác chống dịch càng trở nên vất vả và phân cấp trách nhiệm lúc đó chắc chắn sẽ cần phải được làm rõ hơn.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.