.

Có chặn được nạn tăng giá?

Thời điểm này ngành Công thương thành phố cùng với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn gấp rút triển khai các kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhằm bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Như mọi năm, thành phố chủ trương dành một phần kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân với tổng trị giá 650 tỷ đồng.

Đi liền với việc rà soát cân đối cung-cầu, ngành Công thương đề xuất nhiều giải pháp mở rộng thêm mạng lưới phân phối hàng hóa, giao các chợ tạo điều kiện mặt bằng cho doanh nghiệp cung ứng thực phẩm thiết yếu, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xuống cơ sở kiểm tra hoạt động kinh doanh và xử lý kịp thời những hành vi gây mất ổn định thị trường; sẽ rút giấy phép kinh doanh đối với những đơn vị cố tình không chấp hành quy định của Nhà nước…

Dù đã có những động thái quyết liệt như vậy song nỗi lo về tình trạng giá cả phi mã vào những ngày cuối năm, đặc biệt là dịp Tết âm lịch vẫn thường trực. Sau giá gas tăng mạnh vào đầu tháng 12, tiếp đó là đợt tăng giá xăng, dầu vừa qua, nhiều mặt hàng đã bắt đầu rục rịch tăng giá và có dấu hiệu ém hàng chờ Tết như bia, rượu, thực phẩm gia súc, gia cầm. Lợi dụng nhu cầu tiêu dùng hàng thiết yếu tăng mạnh, không ít các đại lý, tư thương tạo áp lực về giá trong những ngày này. Trên thực tế, một số mặt hàng đang tăng giá hiện nay không phải do thiếu nguồn cung mà là do hiện tượng đầu cơ, găm hàng để hưởng lợi. Điệp khúc tăng giá luôn xuất hiện mỗi khi vào dịp lễ, Tết như là một thách thức đối với cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý thị trường.

Năm nào cũng vậy, dù công tác chuẩn bị nhìn chung rất kỹ lưỡng, nhưng tới áp Tết cũng không ngăn được đà tăng giá. Mấu chốt của vấn đề là các ngành chức năng đã có những biện pháp thực sự đem lại hiệu quả hay đã làm hết sức mình? Kinh nghiệm hằng năm cho thấy, việc tăng giá đột biến ở một số nhóm hàng, ngành hàng có nhu cầu cao là do chúng ta chưa có khả năng để dự báo chính xác tình hình thị trường. Đồng thời, việc tăng cường giám sát chưa cao dẫn đến các hành vi trục lợi trong kinh doanh vẫn tiếp diễn. Nhắc đến yếu tố tăng giá hàng hóa không chỉ đổ lỗi cho “cầu” tăng mà phải chăng đã đến lúc người dân cần phải thay đổi cung cách mua sắm, tâm lý dự trữ đồ ăn thức uống thật nhiều trong nhà. Đó cũng là nguyên nhân góp phần làm cho áp lực giá cả tăng đột biến trong những dịp lễ, Tết. Nói như vậy không có nghĩa là đổ lỗi cho người dân, về mặt quản lý Nhà nước, các ngành chức năng phải có tránh nhiệm cụ thể khi để xảy ra tăng giá hàng hóa bất hợp lý.

Tăng giá chung do khách quan thì không nói, nhưng để thị trường bất ổn cục bộ ở địa phương thì trách nhiệm của ngành được giao phải chịu. Việc kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường luôn có tác dụng cảnh báo đối với hệ thống phân phối hàng hóa dịch vụ. Chỉ khi công tác giáo dục, tuyên truyền đi đôi với sự kiên quyết, nghiêm khắc thì tính tuân thủ của pháp luật mới có giá trị tích cực đối với việc răn đe trên thị trường. Như chính vị Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố phát biểu rằng, “lượng hàng hóa của chúng ta không thiếu nhưng vấn đề là cách điều hành của chúng ta như thế nào thôi”. Đây cũng là câu hỏi mà cũng là câu trả lời của ngành Công thương đặt ra trước trọng trách làm thế nào để sự quyết tâm đó được trả lời bằng sự ổn định giá cả trong những ngày tới.

HỒNG ANH

;
.
.
.
.
.