.

Cử tri mong Hiến pháp sớm vào cuộc sống

Hôm qua, trước các đại biểu Quốc hội (QH) Đà Nẵng, rất nhiều cư tri thành phố bày tỏ niềm tin, sự phấn khởi bởi sự thành công lớn nhất, xem như một thắng lợi mang ý nghĩa rất quan trọng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII là đã xem xét, thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi.

Bởi trước khi thông qua, Bộ luật quan trọng nhất của đất nước được đóng góp bởi hơn 26 triệu lượt cử tri cả nước vào dự thảo Hiến pháp. Sự công khai, dân chủ, thẳng thắng và chân thành, tập trung được trí tuệ của toàn xã hội trong góp ý xây dựng đã và đang khẳng định bản chất ưu việt của chế độ. Xác định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên từ năm 2011 đến nay, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn hữu quan, đại biểu QH đã dành nhiều tâm sức cho công việc này.

Điều để người dân đặt trọn niềm tin và sự đồng thuận cao là Hiến pháp sửa đổi đã chắt lọc tinh hoa, trí tuệ của đồng bào và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, các cấp các ngành với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị để hoàn thiện với một nội dung khát quát, cô đọng và dễ hiểu nhất. Hiến pháp được thông qua gồm 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Hiến pháp quy định bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế- xã hội, văn hóa, con người; làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và trách nhiệm Nhà nước trong bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân; thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta, khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội…Hiến pháp thể hiện một cách khái quát nhất nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, vị trí, vai trò quan trọng và chức năng cơ bản của Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn; về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Trong đó, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp lần này cũng làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời làm rõ hơn vai trò của Chủ tịch nước trong thống lĩnh lực lượng vũ trang.

Hiến pháp cũng phân định rõ thẩm quyền của tập thể Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế…Hiến pháp quy định một cách tổng quát về mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, quy định cụ thể về chính quyền địa phương. Hiến pháp cũng bổ sung những quy định mới như quy định về bản chất của Đảng, trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Hiến pháp đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống, QH đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Trong đó, quy định hiệu lực của Hiến pháp và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước. Việc sử đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước khi Hiếp pháp có hiệu lực thực thi. Cử tri Đà Nẵng cũng như cả nước bày tỏ sự đồng thuận và mong muốn công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp được triển khai chu đáo, chặt chẽ và kịp thời để Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trong thời gian đến.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.