.

Đầu tư cho văn hóa

Đầu tư văn hóa là câu chuyện được nhiều người quan tâm. Tại kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố khóa VIII, theo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, tỷ lệ chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa thời gian qua còn thấp: Đà Nẵng là 0,92% tổng chi ngân sách địa phương, trong khi quy định của Trung ương là 1,8%. Tình hình đầu tư cho văn hóa cũng được Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu ra tại Hội nghị Thành ủy cách đây không lâu.

Theo lãnh đạo UBND thành phố, thời gian gần đây, thành phố đã chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa - thông tin với mức bình quân đầu người đạt 61.000 đồng (11 tháng năm 2013), tăng hơn 2 lần so với quy định định mức của thành phố. Đó là chưa tính đến các khoản bổ sung chi phí ngoài định mức để tổ chức các ngày lễ, xây dựng các chương trình phục vụ các hội diễn nghệ thuật quần chúng, thực hiện các đợt khai quật khảo cổ học, khảo sát các địa chỉ văn hóa. Mức chi thực tế là khá, nhưng vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của công tác nghiên cứu, tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa của thành phố.

Để văn hóa trở về đúng vai trò, chức năng: vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, thì chúng ta còn nhiều “món nợ” cần được quan tâm đầu tư đúng mức.

Món nợ được nhiều người nhắc đến và cũng được đưa ra trên bàn nghị sự nhiều kỳ họp HĐND là dự án xây dựng thư viện. Phải nói rằng, Đà Nẵng chưa có một thư viện xứng tầm đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, nên việc đầu tư xây dựng một thư viện xứng tầm được dư luận quan tâm. Tại kỳ họp HĐND vừa qua, có đại biểu đã lên tiếng khá gay gắt về đầu tư xây dựng thư viện, mà theo đại biểu này, chúng ta rất hào phóng đầu tư cho các khu vui chơi giải trí, nhưng lại tỏ ra dè dặt với một thiết chế văn hóa mà tác động của nó đối với xã hội là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp mở mang dân trí, chấn dân khí ở một thành phố đang nỗ lực xây dựng “thành phố đáng sống”.

Việc bảo tồn, lưu giữ, trưng bày hiện vật tại các bảo tàng cũng là chuyện đáng bàn. Nhiều di tích lịch sử chưa được quan tâm trùng tu, tôn tạo, đang xuống cấp nghiêm trọng. Hay như khu di tích Chăm làng Phong Lệ, qua khai quật khảo cổ học, các nhà khoa học đã phát hiện 2 trong số hệ thống tháp thờ cổ của người Chăm nhưng do thiếu kinh phí phải khoanh vùng lại chờ kế hoạch khai quật trong thời gian tới. Bảo tàng Đà Nẵng, dù được đầu tư bổ sung nhiều hiện vật và thay đổi cách trưng bày thu hút người xem, nhưng nguồn hiện vật không dồi dào để liên tục thay đổi nên gây cảm giác nhàm chán nếu khách tham quan thường xuyên qua lại nơi này.

Kể về chuyện bổ sung hiện vật, một cán bộ bảo tàng cho biết, cách đây không lâu, có nhà sưu tập mang đến chiếc trống đồng Hêgơ 1 bán với giá rất rẻ, bằng 2/3 giá nhà sưu tập này bán cho Bảo tàng Hà Nội sau đó, nhưng Bảo tàng Đà Nẵng không mua được. Lý do: Không có tiền. Được biết, Bảo tàng Đà Nẵng hiện chỉ có một chiếc trống đồng, nhưng chỉ là phiên bản. Cũng xin nói thêm, ngoài mức kinh phí sự nghiệp mỗi năm khoảng 2,5 tỷ đồng, Bảo tàng Đà Nẵng không có nguồn bổ sung ngân sách để mua cổ vật. Trong lúc đó, ở TP. Hồ Chí Minh, ngoài kinh phí cấp thường xuyên, mỗi năm các bảo tàng trên địa bàn được cấp thêm 10 tỷ đồng để mua hiện vật. Có lẽ, đây cũng là thực tế giải thích vì sao các bảo tàng ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thường xuyên đông khách tham quan.

Thêm vào đó, các giá trị văn hóa phi vật thể phục hồi còn chậm, nguy cơ mai một là hiện hữu. Nhiều thuần phong mỹ tục vẫn chưa được đề cao, phát huy. Các thiết chế văn hóa phục vụ dân sinh còn ít, chưa tương xứng với tầm vóc của một thành phố trẻ, năng động, phát triển bền vững.

Quá trình hội nhập kinh tế luôn đi cùng sự giao thoa văn hóa. Trong quá trình hội nhập đó, để được chính là mình, không thể lẫn, thì yếu tố bảo đảm hàng đầu là văn hóa.

Xây dựng nền văn hóa “dân tộc, khoa học, đại chúng” được Đảng xác định là 1 trong 3 trọng tâm phát triển của nước ta. Và vì vậy, bảo tồn, phát triển văn hóa cần sự đầu tư lớn từ ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, chúng ta cũng cần thống nhất, xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân và trong nhiều lĩnh vực cần có sự chung tay của các ngành, các cấp, của nhân dân. Ví dụ như bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Trong khi chúng ta tốn kém cho các đề án nghiên cứu, giữ gìn tiếng Việt thì trên các đường phố, các bảng hiệu, biển hiệu nhan nhản tiếng Tây. Ở địa bàn Đà Nẵng, đa phần các khách sạn, nhà hàng lớn hiện nay đều được đặt tên bằng tiếng nước ngoài. Việc du nhập của nhiều ấn phẩm, phim ảnh, nhiều đồ chơi, nhiều mốt quần áo… không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt vẫn không được kiểm soát chặt chẽ. Tôi không nghĩ rằng, sự du nhập ồ ạt của các sản phẩm văn hóa nước ngoài sẽ “đồng hóa” được những giá trị cốt lõi của nền văn hóa đã được hun đúc từ hàng ngàn đời nay của Việt Nam, nhưng hệ lụy của sự thiếu kiểm soát là vô cùng lớn, nó sẽ tác động đến lối sống, xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống.

Cái cốt lõi vẫn là quan điểm và cách thức bảo tồn, phát triển văn hóa. Chúng ta cần sự đầu tư thích đáng của Nhà nước, nhưng cũng rất cần sự chung tay của mỗi người dân.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.