.

Đóng cửa lớp trẻ chui, được không?

Thường sau những vụ bạo hành dã man trong các cơ sở nuôi giữ trẻ, như vụ việc vừa bị phanh phui tại Trường mầm non tư thục Phương Anh, thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, dư luận và cả cơ quan chức năng đều sôi sục việc quyết xóa sổ các cơ sở không phép, không bảo đảm điều kiện chăm sóc trẻ, chủ yếu gồm nhóm trẻ gia đình và trường tư thục. Điều này có vẻ là hợp tình, hợp lý. Song, dưới góc độ một người mẹ có con nhỏ, tôi lại nghĩ đóng cửa, hay cương quyết xóa các cơ sở “chui” thực chất không giải quyết được hai vấn đề lớn hiện nay là chất lượng của người/cô chăm trẻ và chỗ gửi trẻ dành cho lứa tuổi dưới 24 tháng.

Giả sử bây giờ chúng ta làm rất tốt việc xóa các cơ sở tư nhân, không bảo đảm điều kiện chăm sóc trẻ thì điều gì sẽ xảy ra? Đó là trẻ nhỏ dưới 24 tháng sẽ không biết gửi vào đâu. Đây là thực tế mà những người mẹ có con nhỏ sẽ cảm nhận đầu tiên và rõ ràng nhất.

Lấy ví dụ tại thành phố Đà Nẵng, số liệu chúng tôi cập nhật từ tháng 6-2013 là toàn thành phố có 142 trường mầm non, trong đó có 64 trường công lập. Điều đáng nói là tất cả các trường công lập hiện nay đều không nhận trẻ dưới 24 tháng, tức là chỉ có trẻ trên 2 tuổi mới được vào lớp. Như vậy, đồng nghĩa với việc trẻ dưới độ tuổi này chỉ còn một đường duy nhất là vào trường tư hoặc đến các nhóm gia đình.

Vào trường tư thì hiện cả thành phố chỉ có 7 trường mầm non chất lượng cao nhận trẻ dưới 1 tuổi. Ở các trường này, học phí bình quân 3 triệu đồng/tháng. Phụ huynh có thu nhập thấp làm thế nào có thể trang trải mức học phí này cho con? Chưa kể, trường chất lượng cao chưa chắc chất lượng đã cao thật.

Không vào trường tư giá cũng “rất tư”, phụ huynh chỉ còn biết nhắm mắt đưa con vào nhóm trẻ gia đình. Hầu hết các nhóm trẻ đều không được cấp phép, hoạt động tự phát theo nhu cầu của người dân trong xóm hoặc khu phố. Biết là bất an khi con học trong nhóm trẻ mà “cô giáo” chẳng hề có một ngày học nghiệp vụ sư phạm, một “cô” giữ 10 trẻ với tất tần tật các đầu việc thì làm sao chu đáo cho xuể. Chưa kể, ở nhiều nơi, “cô” không có khái niệm giáo dục mà chủ yếu răn đe, quát, mắng, dọa để uy hiếp, buộc trẻ sinh hoạt theo nền nếp. Biết vậy, nhưng nhiều người mẹ đành đánh cược niềm tin gửi con vào nhóm trẻ, trường chui. Ngày nào cũng hỏi thăm cô và ngày nào cũng nghe cô khen con ngoan, ăn được, biết vâng lời, người mẹ đành dựa vào cảm giác nửa tin, nửa ngờ như thế để xoa dịu nỗi lo.

Nhưng một ngày nào đó, thử tưởng tượng đùng một cái tất cả các nhóm trẻ, trường chui đều bị đóng cửa thì trẻ sẽ... bơ vơ. Bởi lại quay về vấn đề trường công không nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi. Lý do được cơ quan quản lý giáo dục đưa ra là vì giáo viên mầm non không được tăng thêm biên chế từ năm 1997 cho đến nay. Tức là từ khi Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách đến nay, số biên chế giáo viên mầm non cứ đứng im như vậy mặc cho số trẻ tăng lên và nhu cầu gửi trẻ tăng lên. Không thêm cô giáo sao dám nhận thêm trẻ, nhất là trẻ vài tháng tuổi đòi hỏi nhiều cô chăm sóc hơn trẻ trên 2 tuổi. Thứ hai, cơ quan quản lý cũng nhận thấy cơ sở vật chất các trường hiện chưa bảo đảm cho việc chăm trẻ nhỏ. Lứa tuổi này, ngoài phòng học, phòng chơi thì cần có phòng lưu trữ sữa mẹ và cán bộ y tế theo dõi biểu hiện ở trẻ. Vì những lý do trên nên trẻ “hết đường”, phải vào những nơi thiếu độ tin cậy và nguy cơ rủi ro cao như xã hội đang thấy.

Đóng cửa, xóa sổ có lẽ là không quá khó khi cơ quan chức năng chỉ cần dựa vào tấm giấy phép để biết cơ sở chăm trẻ có đủ điều kiện pháp lý hoạt động hay không. Cái khó nhưng cần làm hơn là làm sao giải quyết được chỗ giữ trẻ nhỏ an toàn. Hoặc là tăng biên chế giáo viên mầm non để các trường công nhận trẻ nhỏ, hoặc phải tăng cường quản lý các cơ sở mà chúng ta gọi là “chui” để phát triển thành loại hình không “chui” nữa, tức là có cấp phép, có tập huấn, có quản lý, có điều kiện bắt buộc và có chế tài xử lý cụ thể. Như thế có thể coi đây là hình thức “xã hội hóa giáo dục” trong điều kiện chúng ta không tăng được trường công, không tăng được biên chế mà trẻ vẫn có chỗ nhận gửi.

Theo quy định của pháp luật, trẻ từ 3 đến 18 tháng tuổi đã được ra lớp công lập. Tuy nhiên, đây chỉ là quy định trên giấy. Còn thực tế, trẻ không được nhiều sự lựa chọn tối ưu trong giai đoạn vàng của đời người. Từ 0 – 24 tháng tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng, đó là lúc đứa trẻ bộc lộ rõ các giác quan và biểu hiện sớm khuyết tật nếu có. Thế nhưng, chúng ta đang đối xử như thế nào với những mầm non này? Không biết gửi con vào đâu, phải làm liều gửi tạm bợ rồi lại thắt lòng, hoang mang khi thấy một đứa bé nào đó bị bạo hành. Đó là những gì mà các bà mẹ có con nhỏ đang phải trải qua và mong mỏi cơ quan chức năng, chính quyền Nhà nước sớm có động thái để thay đổi cục diện giáo dục trẻ mầm non hiện nay, nhất là giáo dục trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.