.

Không quản nổi giá?

Người dân chưa kịp mừng sau thông tin chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 cả nước chỉ tăng 0,34 so với tháng 10 - là mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua, thì giá gas “đùng một cái” tăng 70.000-80.000 đồng/bình 12kg. Trong khi đó, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nỗi lo về tăng giá đang đè lên không chỉ người dân mà các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc.

Mặc dù các cơ quan chức năng đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để bình ổn giá trong dịp Tết, nhưng giá gas tăng như thế sẽ dẫn đến hệ lụy tăng giá các mặt hàng khác có liên quan như ăn uống, thực phẩm…

Điều người dân quan tâm, như cử tri thành phố bức xúc phản ánh với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố trong các cuộc tiếp xúc vừa qua, là dường như việc quản lý giá đang “có vấn đề” chứ không phải là việc tăng giá của doanh nghiệp. Kết nối một số sự kiện gần đây như giá xăng tăng cao nhưng giảm nhỏ giọt, 3 nhà mạng đồng loạt tăng cước 3G trong cùng thời điểm, giá thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em “núp bóng” giá sữa, giá thực phẩm chức năng đang “loạn”, giá gas tăng mạnh… đủ cho thấy việc quản lý giá để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng chưa được các cơ quan chức năng thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp mà chủ yếu là “chạy đua” theo giá.

Khi dư luận đặt vấn đề giá tăng cao bất hợp lý, không đúng với chất lượng sản phẩm… thì cơ quan chức năng hứa “sẽ vào cuộc kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có sai phạm”. Một điều ai cũng biết, là cơ quan chức năng phải kiểm soát giá ngay từ các yếu tố cấu thành, sự phân chia lợi nhuận giữa nhà cung cấp và bán sỉ… để biết giá đến tay người tiêu dùng như vậy là có hợp lý không, để bảo đảm nguyên tắc quản lý giá và xử phạt, chấn chỉnh ngay lập tức các trường hợp tăng giá bất hợp lý. Thế nhưng, việc này dường như đang bị bỏ ngỏ, nên mỗi lần doanh nghiệp tăng giá là cơ quan chức năng phải loay hoay đi tìm nguồn gốc. Người dân lại vẫn phải cắn răng dùng sản phẩm mà mình không biết có đúng giá hay không trong nỗi đợi chờ thấp thỏm cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra và kết luận; mà đôi khi, không có thông tin kết luận được phản hồi.

Một điều nhập nhằng nữa chính là việc chênh lệch giá trong nước và thế giới. Đây chính là chiêu bài để các đơn vị cung cấp sản phẩm tăng giá bất hợp lý nhằm móc túi người tiêu dùng. Giá thế giới tăng là giá trong nước tăng ngay lập tức, nhưng giá giảm thì còn phải… chờ! Giá thế giới một đằng, giá trong nước một nẻo do qua quá nhiều tầng nấc trung gian phân phối. Một số mặt hàng đã sử dụng nguồn quỹ bình ổn giá hoặc các chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả rõ rệt, nên người dân vẫn âu lo vì các chính sách này chưa công khai, minh bạch.

Trước thực tế đó, người dân có quyền đòi hỏi về việc quản lý giá một cách chặt chẽ và hiệu quả, bởi chính họ là người trả tiền thuế nuôi bộ máy quản lý, điều hành giá để yên tâm khi sử dụng sản phẩm đúng giá trị của nó. Nếu không làm được điều đó, cũng đã đến lúc cần phải có chính sách quản lý chặt chẽ ngay cả những cơ quan chức năng làm công tác quản lý giá và kiểm soát thị trường. Người dân không thể bỏ tiền ra nuôi bộ máy quản lý giá, để rồi được khuyến cáo bằng khẩu hiệu kiểu “người tiêu dùng phải thông minh”.

ANH QUÂN
 

;
.
.
.
.
.