.

Ngược chiều lãi suất

Theo đánh giá của phần lớn các doanh nghiệp, lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hiện nay gần như không còn là vấn đề “nóng” như giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, chung quanh câu chuyện này không hẳn đã xuôi chèo mát mái mà vẫn còn nhiều rào cản “ngược chiều” chưa thể giải quyết.

Tại buổi gặp gỡ nhằm trao đổi tháo gỡ khó khăn giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Đà Nẵng và các ngân hàng thương mại trên địa bàn với các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp mới đây, một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục “than trời” vì lãi suất cũ áp dụng đối với các khoản dư nợ trung dài hạn còn quá cao (nội tệ 15-16%, USD 7%/năm) trong khi mặt bằng lãi suất chung đã giảm mạnh, nhưng chi nhánh trực tiếp cho vay lại không đủ thẩm quyền hạ xuống vì hội sở chính chưa cho phép(?). Có ngân hàng lúc đầu áp dụng lãi suất 13,5% nhưng đến hẹn lại lên (3 tháng) lại cộng thêm 1%? Nhiều doanh nghiệp buộc phải ở thế “tiến thoái lưỡng nan” vì toàn bộ tài sản đã thế chấp hết cho ngân hàng, không dễ gì vay mới trả nợ cũ, chưa kể nếu trả trước hạn phải gánh chịu một khoản phí không nhỏ.

Đối với những doanh nghiệp có triển vọng tốt, một số ngân hàng sẵn sàng có cơ chế giải ngân để “mua đứt nợ” từ ngân hàng khác, tương tự như “đảo nợ”. Tuy nhiên, con số này không nhiều và cũng không phải ngân hàng nào cũng đủ “bản lĩnh” để triển khai vì hiện nay khung pháp lý vẫn còn mù mờ, mặc dù trước đây Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có chỉ đạo vô cùng ngắn gọn “cho vay mới trả nợ cũ”. Vô hình trung, doanh nghiệp phải tiếp tục gồng mình chịu trận trước áp lực chi phí lãi vay cao.

Nếu so sánh lãi suất ưu đãi của Nhà nước đang áp dụng thông qua hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam (lãi suất tín dụng đầu tư 10,8%/tín dụng xuất khẩu 8,7%/năm) thì lãi suất thương mại của hệ thống ngân hàng hiện đủ sức cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí thấp hơn nhiều bởi tài trợ xuất khẩu bằng VNĐ hiện nay chỉ vào khoảng 7%/năm. Điều này trước đây chưa từng xuất hiện một cách phổ biến và có nguy cơ đẩy hệ thống tài chính Nhà nước vào viễn cảnh “thất nghiệp” dài dài. Vấn đề đặt ra là nên định hướng lại chính sách ưu đãi, theo đó lãi suất ưu đãi của Nhà nước phải được xem là tín hiệu có vai trò dẫn dắt lãi suất thị trường, tạo áp lực cạnh tranh lên lãi suất thị trường chứ không phải là ngược lại.

Thực tiễn cho thấy khi nền kinh tế sở hữu được nền tảng vĩ mô vững chắc + Trung ương linh hoạt + hệ thống ngân hàng thương mại có tính hiệu năng cao, sẽ là những yếu tố mang tính quyết định để duy trì chính sách lãi suất tích cực. Xét về phương diện này, Việt Nam vẫn còn yếu; chính vì vậy lãi suất chỉ đạo và lãi suất thương mại tiếp tục “treo” ở mức cao so với nhiều nước. Về mặt điều hành chính sách tiền tệ, cần xem xét lại tư duy truyền thống lâu nay là “lãi suất cơ bản không thấp hơn/ hoặc lớn hơn tỷ lệ lạm phát” nhằm tránh sự cứng nhắc không cần thiết.

Mới đây, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã đề xuất lên Chính phủ về việc giảm lãi suất trái phiếu đặc biệt dùng để mua nợ xấu từ 7% xuống 2%/năm; nếu được chấp thuận thì đây sẽ là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng. Từ đề xuất này cho thấy, dư địa để Ngân hàng Nhà nước mạnh dạn và chủ động giảm mặt bằng lãi suất chỉ đạo xuống dưới 7% là khả thi, góp phần khuyến khích các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.