.

Người lao động cần dựa vào Công đoàn

Đình công không còn là chuyện mới nhưng nguy cơ vẫn cứ chực chờ, nhất là vào những thời điểm nhạy cảm như trước Tết, tăng lương…

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ đình công, lãn công xảy ra nhiều nhất tại các doanh nghiệp FDI (chiếm đến 70%) các vụ việc. Tất nhiên, không thể chỉ “đổ tội” cho các doanh nghiệp FDI, nhưng phải thừa nhận rằng tại những đơn vị này còn nhiều vấn đề cần bàn. Yêu cầu của người lao động hầu hết vẫn là: tăng lương, tăng phụ cấp và các khoản phụ trợ, nâng chất lượng bữa ăn. Tính đến cuối năm nay, Đà Nẵng có hơn 10.300 doanh nghiệp với gần 300.000 lao động, trong đó chỉ có gần 300 doanh nghiệp FDI, 73 doanh nghiệp Nhà nước, còn lại hầu hết là doanh nghiệp dân doanh với khoảng gần 10.000 đơn vị. Các cuộc đình công không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Như vậy, dù số lượng không nhiều nhưng đình công lại diễn ra nhiều ở các đơn vị FDI. Thực tế hiện nay ở nhiều doanh nghiệp FDI, việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động không được quan tâm đúng mức, có tư tưởng chủ - thợ, khai thác triệt để giá nhân công thấp nên dễ nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến đình công, lãn công. Bên cạnh đó, ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người sử dụng lao động - nhất là người nước ngoài - quen với cách quản lý đòi hỏi người lao động phải có tác phong làm việc công nghiệp, đúng giờ, tránh gây lãng phí thời gian, thắt chặt kỷ luật lao động, tiết kiệm chi phí. Qua nhiều cuộc kiểm tra của ngành lao động, nhiều doanh nghiệp FDI không quan tâm nhiều đến đời sống của người lao động, kéo dài thời gian nâng bậc lương cho người lao động (vì Nhà nước không có văn bản quy định rõ thời gian nâng bậc). Điều đó có thể dễ dàng làm mâu thuẫn bùng phát. Quan hệ lao động phải bình đẳng. Tuy vậy, hầu hết người lao động luôn ở thế yếu, bởi họ chỉ có sức lao động.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, trong tổng số 23 vụ đình công từ năm 2008-2013, có tới 20 vụ, chiếm hơn 86% thuộc hai ngành nghề: dệt-may và da giày. Đây là hai ngành có đặc thù thu hút nhiều lao động làm việc, đặc biệt là lao động nữ, nhập cư từ các tỉnh lân cận, có trình độ học vấn và tay nghề thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật lao động cũng như những gì cần làm để bảo vệ quyền và lợi ích của mình theo quy định pháp luật. Vì vậy, họ dễ dàng bị kích động, lôi kéo và tham gia đình công nếu có người khởi xướng.

Nói đi thì cũng nói lại, vì áp lực cơm, áo, gạo, tiền nên người lao động chấp nhận sự bất công, chấp nhận làm thêm giờ liên tục vượt quá thời gian quy định của pháp luật, để đến khi “tức nước vỡ bờ” thì đình công tự phát là điều tất yếu. Thực tế cho thấy, với hầu hết các vụ đình công, chưa có vụ nào đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật là phải do tổ chức Công đoàn lãnh đạo. Có lần người viết chứng kiến một cuộc đình công tự phát, khi hỏi một công nhân có biết người chủ tịch Công đoàn công ty là ai không thì tất cả đều… lắc đầu (dù công ty đó đã thành lập tổ chức Công đoàn).

Một trong những lý do đình công diễn ra nhiều ở các doanh nghiệp FDI nói riêng cũng như doanh nghiệp nói chung chính là do nhiều đơn vị chưa thiết lập được quy chế nội bộ chặt chẽ thông qua cơ chế dân chủ. Bởi lẽ, nếu đối thoại, thảo luận, thống nhất để xây dựng cơ chế nội bộ tốt thì sẽ hạn chế nhiều những mâu thuẫn. Có lần, tại vụ đình công ở một công ty dệt-may tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, nguyên nhân hết sức đơn giản và có thể tránh được. Đó chỉ là doanh nghiệp thay đổi phương án trả lương từ lương thời gian sang lương sản phẩm, nhưng không thông báo với người lao động.

Nên chăng đã đến lúc xây dựng Công đoàn cơ sở phải do người lao động bầu ra và được họ trực tiếp trả lương để mạnh dạn nói lên tiếng nói của người lao động. Khi Công đoàn là chỗ dựa cho tất cả công nhân, thì việc đối thoại với doanh nghiệp sẽ thẳng thắn hơn, quyền lợi của người lao động được quan tâm, giải quyết đúng luật ngay từ lúc ban đầu, hạn chế tối đa các cuộc đình công. Bên cạnh đó, trong chính sách kêu gọi đầu tư cũng cần có sự thay đổi, không nên lấy “lao động rẻ” làm lợi thế thu hút mà cần chọn những nhà đầu tư thực sự bền vững. Có như vậy mới hạn chế được các cuộc đình công, các doanh nghiệp nước ngoài chân chính sẽ mạnh dạn chọn Việt Nam làm điểm đến.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.