.

Những tín hiệu vui

Đối với thành phố Đà Nẵng, năm 2013 là năm nhiều khó khăn, trở lực và nhiều biến động về kinh tế-xã hội. Nhưng cũng có thể nói rằng, năm 2013 để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Những dấu ấn mà nhiều người trong chúng ta nhìn thấy được có lẽ phải kể đến, đây là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu Đà Nẵng vượt ngưỡng 1 tỷ USD; hàng hóa qua Cảng Đà Nẵng đạt trên 5 triệu tấn; khách du lịch đạt mức kỷ lục, trên 3 triệu lượt và đặc biệt, 2013 là năm đầu tiên Đà Nẵng có doanh nghiệp nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng.

Phải nhìn nhận rằng, đây thật sự là những con số ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thành phố vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, tổng sản phẩm xã hội (GDP) tăng 8,1% so với năm 2012, trong khi kế hoạch đề ra là 9,5-10%; nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng bế tắc phải ngưng hoạt động hoặc giải thể, phá sản. Những tác động đa chiều của khủng hoảng kinh tế gây trở ngại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đến cuộc sống, việc làm của hàng vạn người trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng đã vượt qua khó khăn bằng nỗ lực lớn, có chiều sâu trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế; đầu tư thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch với nhiều sự kiện, nhiều thiết chế thu hút khách như cuộc thi trình diễn pháo hoa, các công trình cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, các sự kiện marathon, robocon quốc tế, mở thêm nhiều đường bay quốc tế và nội địa… Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng nhờ vậy đã tăng 17,2%, với khoảng 3,1 triệu lượt. Kết quả của thu hút mạnh mẽ khách du lịch, Đà Nẵng được tạp chí du lịch Smart Travel Asia bình chọn Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á năm 2013.

Cùng với du lịch, dịch vụ, thành phố đã chung tay cùng doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều mặt: vốn, tìm kiếm thị trường, giải quyết nợ xấu, miễn giảm, gia hạn thuế; hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ… Những tác động của thành phố như nguồn kích thích các doanh nghiệp vươn lên. Còn nhớ, tại Hội nghị Thành ủy (mở rộng) hồi quý 3 năm 2012, đại diện Cục Thuế thành phố cho biết, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng chưa có doanh nghiệp nào nộp ngân sách quá 200 tỷ đồng! Nhiều người tặc lưỡi tiếc rẻ vì những dự án đầu tư đóng góp lớn cho ngân sách như Trường Hải chẳng hạn, Đà Nẵng để tuột mất. Quy mô doanh nghiệp Đà Nẵng quá nhỏ bé. Thế nhưng, đến cuối năm 2013, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam VBL đã có số nộp ngân sách lên đến 850 tỷ đồng. Việc cán mức 1.000 tỷ đồng trong năm nay là có thể. Không riêng VBL, hiện ở Đà Nẵng, số doanh nghiệp nộp ngân sách trên 200 tỷ đồng không còn là số ít nữa. Chính sự khởi sắc của doanh nghiệp đã cải thiện bức tranh nhiều mảng tối những năm trước trở nên sáng sủa hơn với những con số ấn tượng: tổng thu ngân sách đạt 11.217,3 tỷ đồng, đặc biệt thu nội địa đạt khoảng 8.170 tỷ đồng.

Ở một góc nhìn khác để thấy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Đà Nẵng là kim ngạch xuất nhập khẩu và lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng.

Lần đầu tiên cán đích lượng hàng thông qua cảng ở con số 5 triệu tấn cho thấy Cảng Đà Nẵng ngày càng thể hiện vai trò của mình trong hoạt động xuất nhập khẩu. Sự tăng trưởng nhanh, vững chắc của Cảng Đà Nẵng chứng tỏ cảng đã tạo được chân hàng ổn định, tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu. Các thủ tục, dịch vụ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu: hải quan, cung ứng nhiên liệu, môi giới hàng hải… hoạt động đều tay, tạo nhiều thuận lợi cho chủ hàng, chủ tàu và cuối cùng là hiệu quả kinh tế. Chi phí vận tải, nhờ vậy, được cải thiện theo hướng có lợi cho khách hàng. Và có lẽ đó cũng là lực hút các nhà vận tải đến Cảng Đà Nẵng tấp nập hơn.

Những kết quả ấn tượng từ các ngành, lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế: Du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn Đà Nẵng, khối lượng hàng hóa qua cảng, kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách… giúp chúng ta có cái nhìn lạc quan, vững tâm hơn khi bước vào năm mới.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.