.

Tăng giá và sự minh bạch

Việc giá xăng tăng đến gần 600 đồng/lít từ ngày 18-12 khiến người tiêu dùng hết sức bất ngờ cùng với hàng loạt câu hỏi đặt ra về chính sách điều hành giá đối với mặt hàng có ý nghĩa chiến lược này. Câu hỏi đặt ra: vì sao lại tăng giá vào dịp cuối năm, vào thời điểm rất “nhạy cảm” khi đang bắt đầu vào mùa cao điểm sản xuất, tiêu dùng và mua sắm Tết?

Hãy nghe một vị lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lý giải về việc tăng giá xăng dầu lần này: do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh và các doanh nghiệp nhập khẩu bị thua lỗ. Cũng theo vị này, đợt tăng giá này không ảnh hưởng đến giá các mặt hàng Tết với lý do: các doanh nghiệp đã chuẩn bị trước lượng hàng Tết và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương đều đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý điều hành giá nhằm bình ổn giá trong dịp Tết Giáp Ngọ (?!).

Với cách lý giải trên, nói thẳng ra, việc tăng giá vào lúc này là do doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối kêu đang bị lỗ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có lỗ hay không, lỗ bao nhiêu thì không ai biết được, ngay cả các chuyên gia. Bởi lâu nay, cơ chế điều hành giá xăng dầu, cơ cấu tính giá, thẩm định giá... vẫn cứ không rõ ràng. Đó cũng là lý do nhiều người cho rằng, giá xăng dầu lâu nay mới chỉ công khai (giá, niêm yết giá) mà không có sự minh bạch.

Về việc lỗ hay lãi, xin lấy ví dụ ở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp chiếm đến 50% thị phần xăng dầu Việt Nam. Theo báo cáo tài chính hợp nhất công bố hồi tháng 11-2013 của Petrolimex, tính riêng quý 3-2013, tập đoàn này lãi 637 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, bằng gần cả 6 tháng đầu năm cộng lại. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2013 của tập đoàn này lên đến trên 1.400 tỷ đồng, tăng 57% so với 9 tháng đầu năm 2012. Lùi trở lại trước đó 3 tháng, cũng theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2013 của Petrolimex, kinh doanh xăng dầu của tập đoàn này lãi tới 388,2 tỷ đồng. Tính riêng quý 2-2013, Petrolimex lãi 332,4 tỷ đồng, gấp gần 6 lần so với quý đầu năm.

Nhìn vào kết quả kinh doanh như vậy, người tiêu dùng không thể không thắc mắc: kinh doanh xăng dầu lãi đến vậy mà sao từ đầu năm đến nay tăng giá đến 5 lần? Sau thắc mắc là sự hồ nghi: Vậy Petrolimex lỗ hay lãi? Hồ nghi rồi cũng là để trả lời, bởi nhìn vào số liệu tài chính do chính tập đoàn này công bố thì đã rõ. Không có sự minh bạch trong tính toán lỗ, lãi của doanh nghiệp, không xác minh được doanh nghiệp tăng giá có hợp lý hay không, trong khi cơ chế cơ cấu tính giá xăng dầu của nhà điều hành giá không rõ ràng thì người dân chỉ còn biết thở dài móc túi trả tiền mỗi khi xăng dầu tăng giá.

Bên cạnh đó, lý giải của vị lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng đợt tăng giá này không ảnh hưởng đến giá các mặt hàng Tết là không thuyết phục và rất chủ quan. Trong email gửi tới Báo Đà Nẵng ngày 19-12, một bạn đọc là chủ một doanh nghiệp vận tải viết: “Xăng dầu tăng giá cận Tết khiến hoạt động kinh doanh bị xáo trộn. Chúng tôi phải thỏa thuận lại với khách hàng đã ký hợp đồng, phải điều chỉnh tăng giá vé...”. Ai cũng biết xăng dầu là mặt hàng chiến lược, bất kỳ biến động nào của mặt hàng này đều ảnh hưởng đến giá cả của tất cả các mặt hàng thiết yếu khác. Quan trọng hơn, đây là thời điểm cuối năm, thời điểm thị trường tiêu dùng hoạt động sôi động nhất trong năm, thời điểm các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh; thời điểm người tiêu dùng bắt đầu tích cóp đi mua sắm. Thông thường, thời điểm cuối năm các mặt hàng thiết yếu luôn luôn tăng giá do nhu cầu mua sắm tăng cao. Nhu cầu này được “mồi lửa” bởi giá xăng dầu sẽ là “cái cớ” không thể tốt hơn để kéo theo sự tăng giá của hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác. Thêm nữa, tăng giá xăng dầu ở thời điểm này, tiếp sau việc tăng giá của mặt hàng gas, sẽ là đòn giáng mạnh vào người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp. Áp lực cơm áo gạo tiền cuối năm, vì thế, càng nặng gánh thêm.

Câu chuyện xăng dầu tăng giá bất ngờ, doanh nghiệp đau đầu, người dân lo lắng... sẽ không bao giờ chấm dứt một khi đi kèm theo đó là sự không minh bạch!

ĐÀ NAM

;
.
.
.
.
.