.

Vì sao tăng trưởng tín dụng thấp?

Đến cuối tháng 11-2013, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng về nguồn vốn huy động gần 13%, trong khi dư nợ cho vay chỉ đạt khoảng 1,3% so với đầu năm. Đây là mức tăng rất thấp, bởi vì so với giai đoạn nhiều năm trước đây, nguồn vốn và dư nợ luôn duy trì mức tăng trưởng bình quân khoảng 25 - 30%/năm. Điều này phản ánh thực trạng suy giảm chung của tình hình kinh tế-xã hội. Đặc biệt là “cỗ máy tăng trưởng” của Đà Nẵng lâu nay phụ thuộc vào lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó một số lớn chạy theo kinh doanh bất động sản, bị ảnh hưởng bởi tình trạng “đóng băng” thị trường.

Cũng nên lưu ý rằng, trong nhiều năm liền, hệ thống ngân hàng thành phố Đà Nẵng, mặc dù rất đông đảo về số lượng (54 chi nhánh ngân hàng thương mại) nhưng chỉ một số ít ngân hàng có khả năng tự cân đối vốn; tính chung toàn hệ thống, nguồn vốn thường xuyên nhỏ hơn sử dụng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, buộc phải điều hòa từ các tỉnh, thành khác về. Năm 2013, năng lực cân đối vốn được cải thiện khá căn bản; hiện nay toàn hệ thống đã gần mức quân bình giữa nguồn vốn và dư nợ, khoảng 50.000 tỷ đồng. Nguồn lực này là một trong những động cơ quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế liên tục của thành phố trong nhiều năm qua.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, trước hết là do năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, hậu quả trực tiếp của vòng xoáy lạm phát và lãi suất cao. Hàng loạt doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chưa kể một số khá lớn bị “mất tích” đột xuất vì tư cách pháp nhân và uy tín kinh doanh có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật, gian lậu thuế…

Bản thân hệ thống ngân hàng thời gian qua vừa phải tự xoay xở vượt qua khó khăn, vừa cố gắng đồng hành với doanh nghiệp, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, gia giãn nợ, miễn giảm lãi vay, cung ứng nhiều nguồn vốn tài trợ với lãi suất thấp phục vụ các doanh nghiệp hoạt động SXKD thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động… Điều đó thể hiện qua một số mặt biểu hiện tích cực trong năm 2013 như: Tỷ trọng các khoản dư nợ có lãi suất dưới 13%/năm hiện nay chiếm gần 90%; cơ cấu lại nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt 9.600 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng dư nợ toàn hệ thống; tốc độ tăng trưởng cho vay trên lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới đạt 28%; doanh số cho vay và số lượng người vay hỗ trợ nhà ở thuộc diện cao nhất so với các tỉnh, thành khác trong cả nước…

Cần thừa nhận một thực tế là chúng ta nên và cần sớm “đoạn tuyệt” với tư duy tăng trưởng “bằng mọi giá” như trước đây. Điều này đúng cho toàn bộ nền kinh tế và cho cả Đà Nẵng. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng đang trong giai đoạn trăn trở tìm lối thoát, quay trở về với những nguyên tắc chính thống của mình, thông qua hoạt động cấp tín dụng thực sự có hiệu quả, tác động lan tỏa tích cực đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc siết chặt các điều kiện cấp tín dụng cũng là lý do làm cho tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhưng thiết nghĩ đây là tín hiệu tốt chứ không phải xấu.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.