.

Biến tri thức thành tình yêu

Nhân kỷ niệm Ngày Học sinh - sinh viên Việt Nam (9-1) và hướng tới sự kiện 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của Việt Nam bằng vũ lực (17-1), một hoạt động có ý nghĩa được tổ chức hôm qua (9-1) tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng). Đó là triển lãm những hình ảnh, tư liệu quý về Hoàng Sa, trong đó có 12 tư liệu được công bố lần đầu cho sinh viên các trường trên địa bàn Đà Nẵng với chủ đề “Quần đảo Hoàng Sa-Chủ quyền của Việt Nam”.

Nói việc làm này là ý nghĩa, bởi bản thân triển lãm góp phần tích cực vào việc giáo dục tinh thần yêu nước nói chung, hướng giới trẻ vào ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói riêng. Trong đó có việc nhận thức đầy đủ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực, bất chấp dư luận quốc tế lên tiếng phản đối.

Không chỉ bằng những hoạt động ngoại khóa, mà thời gian qua, việc giáo dục tri thức về chủ quyền biển, đảo trong giáo dục lịch sử, địa lý… ở nhà trường đã được xây dựng ngày càng hoàn thiện hơn. Việc làm đó nhằm cung cấp tri thức theo hệ thống, bảo đảm những tri thức được cung cấp tinh thần sách giáo khoa. Các hoạt động khác cũng đã bổ trợ cho việc nâng cao tri thức của giới trẻ trên lĩnh vực này. Những việc đó cần kết hợp một cách nhuần nhuyễn hơn thành hệ thống và tiếp tục được triển khai mạnh mẽ hơn, để trang bị kiến thức nhiều hơn cho học sinh, sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung.

Th.S Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng - người tâm huyết và luôn đau đáu về chủ quyền Hoàng Sa, từng nhấn mạnh khi trả lời báo chí: Việc giáo dục ý thức, nhận thức về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với biển Đông và đối với Hoàng Sa, Trường Sa cần phải bắt đầu sớm hơn, khi các em còn chập chững trên ghế nhà trường. Đó mới là cái lâu bền, căn cơ chứ không chỉ là những hoạt động truyền thông nhân ngần này năm, ngần ấy tháng.

Tuy nhiên, điều không kém phần quan trọng và có ý nghĩa thực sự, chính là biến những tri thức địa lý, lịch sử… về chủ quyền biển, đảo thành tình yêu mãnh liệt đối với từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong giới trẻ; làm sao khi nghĩ về Tổ quốc, về biển đảo, thì mỗi bạn trẻ luôn cảm thấy tự hào, cảm thấy đau đớn khi từng tấc đất, từng ngọn sóng thiêng liêng của nước mình còn nằm trong tay của ngoại bang, bị nước ngoài xâm chiếm trái phép. Đồng thời, phải làm sao để tình yêu nóng bỏng và mãnh liệt đó phải được xây dựng trên nền tảng tri thức đúng đắn, đầy đủ, chân thực để tình yêu đó là nồng nhiệt chứ không phải cuồng nhiệt, không phải là một tình yêu mù quáng, bốc đồng, không những dễ phôi phai mà còn dễ bị những thế lực phản động lợi dụng, nhào nặn, bóp méo và sử dụng như một thứ công cụ gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc và ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế hòa bình, thân thiện của Việt Nam.

Chỉ khi biến thành tình yêu đúng đắn và mãnh liệt, thì những tri thức mà giới trẻ tiếp thu mới được tiếp tục nuôi dưỡng bền lâu, để công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được tiếp nối và ngày càng phát triển. Có như vậy, thì mới tìm được thời điểm thích hợp, phương pháp khoa học để giành lại từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu đã bị ngoại bang cưỡng chiếm trái phép và ngang ngược.

Niềm tin từ nền tảng tri thức vững chắc và tình yêu mãnh liệt đó, chắc chắn sẽ không phai nhòa!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.