Đề nghị Mặt trận và các tổ chức thành viên phản biện với đề xuất xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn - có nên làm hay không để Thành ủy khẳng định chủ trương.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nêu đề nghị này tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2009-2014. Việc đặt hàng Mặt trận phản biện với ý tưởng đề xuất trước khi hình thành chủ trương của thành phố chính là việc bắt đầu thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (ngày 12-12-2013) về việc Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Quy chế này vừa được Ban Dân vận Trung ương tổ chức triển khai tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 11-1. Hoạt động giám sát của Mặt trận đã có quy định trước đó tại Luật MTTQ Việt Nam, nay được cụ thể hóa rõ hơn về đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp. Riêng PBXH từ đây chính thức được thừa nhận là một chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Tại Khoản 2, Điều 2 của Quy chế quy định: PBXH nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Với quy định này, thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên, nhân dân được quyền tham gia ý kiến ngay từ khâu dự thảo văn bản về chủ trương, hoạch định chính sách trên các lĩnh vực (chỉ trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) đến khâu đưa nó vào cuộc sống. Điều đó bảo đảm cho văn bản chủ trương, ý tưởng, đề xuất phải xuất phát từ thực tiễn nhu cầu của đời sống xã hội được hoàn thiện qua PBXH trước khi chính thức trở thành chủ trương, chính sách quay trở lại phục vụ đời sống xã hội. Quy trình này chắc chắn sẽ góp phần hạn chế được tình trạng ban hành văn bản không phù hợp với thực tiễn yêu cầu của đời sống xã hội, thiếu tính khả thi, văn bản “trên trời”... thậm chí vi phạm pháp luật, gây dư luận bức xúc hay những chủ trương chưa qua PBXH gây hậu quả xấu cho đời sống nhân dân như: Việc phát triển thủy điện ồ ạt ở miền Trung gây nên lũ lụt ở vùng hạ lưu vào mùa mưa và tình trạng thiếu nước ngọt, nước sông nhiễm mặn vào mùa hè mà dư luận phản ánh thời gian qua.
Trọng trách của Mặt trận được khẳng định rất lớn. Để thực hiện tốt PBXH, Mặt trận cần huy động sự vào cuộc thật sự đầy đủ, thể hiện rõ vai trò của các tổ chức thành viên trên từng lĩnh vực mà mỗi tổ chức thành viên có thế mạnh am hiểu, nắm vững. Làm sao để tiếng nói PBXH của Mặt trận là những tiếng nói đầy trách nhiệm, thiết thực, hiệu quả, đồng thời thể hiện rõ thái độ, quan điểm, chính kiến của mình nhằm mục đích góp phần xây dựng những chủ trương, chính sách hợp ý Đảng, lòng dân.
Đà Nẵng trong nhiều năm qua đã có “thương hiệu” với nhiều chủ trương mạnh dạn, đột phá, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận to lớn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để có những bước phát triển nhanh, ấn tượng trong lòng bè bạn trong và ngoài nước. Việc đưa Quy chế giám sát và PBXH đi vào cuộc sống đồng nghĩa với việc thêm một điều kiện thuận lợi nữa để Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận huy động trí tuệ xã hội trong tham vấn, phản biện để có thêm nhiều chủ trương, chính sách đột phá hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.
Đơn đặt hàng đầu năm 2014 của lãnh đạo thành phố đối với Mặt trận là minh chứng rằng Đảng bộ, chính quyền thành phố sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của toàn thể nhân dân nhằm đạt được mục tiêu sớm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, về đích trước hạn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
ĐOÀN SƠN