.

Không để mất một tấc đất Tổ quốc

Đất nước sắp bước vào mùa xuân hòa bình, vững tin hướng đến tương lai. Nhưng non sông Việt Nam, mỗi người dân Việt đều đau đáu phần lãnh thổ máu thịt Hoàng Sa vẫn chưa về đất mẹ.

Nỗi niềm đó nhắc chúng ta nhớ rằng: Cách đây 40 năm, lúc 10 giờ 24 phút ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Từ đó đến nay họ chiếm đóng trái phép quần đảo này và ngày càng có nhiều hành động bộc lộ dã tâm độc chiếm Biển Đông, gây dư luận bất bình không chỉ đối với Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế.

Liên tục từ sau khi Hoàng Sa bị cưỡng chiếm, mỗi hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc đều bị Việt Nam lên tiếng phản đối. Điều đó khẳng định chưa bao giờ Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa. Chưa bao giờ người Việt Nam có ý nghĩ đã mất Hoàng Sa. Hoàng Sa chỉ tạm thời bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ý chí bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của người Việt Nam luôn được thổi bùng rực cháy qua các thế hệ. Lịch sử đã chứng minh hơn 1.000 năm chịu ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc với nhiều chính sách nô dịch thâm độc, nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta bị dìm trong biển máu, nhưng cha ông ta vẫn kiên cường, bền bỉ quyết đứng lên giành được độc lập dân tộc. Hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, dân tộc Việt đã vùng lên đánh đổ chính quyền thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền của mình và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm để thống nhất đất nước.

“Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác” - Vua Trần Nhân Tông (1258-1308). Thực hiện di huấn của cha ông, các thế hệ người Việt Nam hôm nay vẫn nuôi chí giành lại Hoàng Sa. Việt Nam không thể dùng cách mà Trung Quốc đã dùng để chiếm đoạt Hoàng Sa bởi trong thế giới văn minh ngày nay, cộng đồng quốc tế sẽ lên án và tẩy chay hành động dùng vũ lực để chiếm đoạt lãnh thổ. Việt Nam sẽ dùng biện pháp đấu tranh hòa bình bằng ngoại giao - pháp lý để giành lại Hoàng Sa. Lợi thế của Việt Nam là những bằng chứng lịch sử chân thực về quá trình thụ đắc lãnh thổ một cách hòa bình, không có tranh chấp và quản lý liên tục đối với Hoàng Sa phù hợp với Công ước quốc tế về Luật Biển. Một điều quan trọng khác là tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Chúng ta xác định cuộc đấu tranh này sẽ kiên trì, bền bỉ, lâu dài, có thể từ thế hệ này đến thế hệ khác nhưng chúng ta không bao giờ dừng lại cho đến khi thu hồi Hoàng Sa về với non sông đất nước.

Nhớ sự kiện ngày 19-1-1974, mỗi người Việt Nam ý thức rằng ngay từ hôm nay hãy hành động vì Hoàng Sa bằng những việc làm cụ thể đóng góp trên các mặt trận đấu tranh giành lại Hoàng Sa: ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền, học thuật, văn hóa... Với người dân Đà Nẵng, tham gia đóng góp vào cuộc đấu tranh này là niềm tự hào bởi Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố. Đồng thời, sự đóng góp tích cực của mỗi người cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đều có ý nghĩa góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế, quốc phòng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, ta chuẩn bị đủ các điều kiện, khi thời cơ chín muồi để giành lại Hoàng Sa.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.