Trong lúc khó khăn nhất khi giữ vai trò Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh từng tâm sự rằng: Chỉ cần hai nhiệm kỳ làm lãnh đạo một cách yên ổn, ông sẽ cố đưa Đà Nẵng trở thành đô thị có vị thế trong cả nước. Khi đó, Đà Nẵng vừa được chia tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, trực thuộc Trung ương, nhưng vẫn còn lê mê lắm!
Sau hai nhiệm kỳ Chủ tịch, ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy cho đến khi được điều động ra Trung ương. Thời gian thêm 10 năm nữa và Đà Nẵng đã được biết đến như một đô thị năng động, phát triển với tốc độ cao, nhiều năm liền đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh. Vai trò quốc tế cũng lớn dần. Nhiều hội nghị khu vực, thế giới đã chọn thành phố làm nơi tổ chức, trong đó có APEC…
Năm 2013, đã có đến 500 đoàn khách ngoại giao, đầu tư đến làm việc với chính quyền. Trong hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã ký kết 61 thỏa thuận, ghi nhớ về thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác với 31 địa phương nước ngoài thuộc 15 quốc gia trên thế giới… Con số khách du lịch đã vượt trên 3 triệu người mỗi năm, trong đó khách quốc tế đến bằng đường biển, đường hàng không trực tiếp cũng tăng lên gần 800.000… Đà Nẵng đã được bình chọn nằm trong “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á” do tạp chí Smart Travel thực hiện và bãi biển Đà Nẵng cũng được thế giới xếp hạng ở Top đầu về sự quyến rũ, hấp dẫn…
Vị thế của Đà Nẵng như vậy đã là thỏa mãn chưa?
San Francisco (Mỹ), một thành phố có số dân tương đương, mỗi năm họ đón đến trên 20 triệu du khách quốc tế (không kể nội địa). Gần hơn, lấy Hồng Kông có diện tích tương ứng với Đà Nẵng, chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2013 họ đã đón đến 49 triệu du khách và dự kiến tăng lên 100 triệu vào năm 2020, tức gấp 14 lần dân số của hòn đảo này. Làm so sánh, thì Đà Nẵng vẫn còn xa lắm mới bằng họ. Chương trình thu hút khách của Hồng Kông như Discover Hongkong, Hongkong lifestyle, các lễ hội liên tục, các chiến dịch mua sắm… được quảng bá toàn cầu, kể cả website bằng tiếng Việt cập nhật hằng ngày là những kinh nghiệm đáng được học hỏi.
Nhưng điều quan trọng, theo chúng tôi, có lẽ là về mặt văn hóa: Hồng Kông có đến 20 bảo tàng chuyên đề đáng đến xem, trong đó có cả bảo tàng về nghề câu cá, bảo tàng… cảnh sát! Họ không có các đền đài lăng tẩm cổ như ở lục địa, họ đã tạo ra các mô hình tương ứng để thu hút khách… bên cạnh các trung tâm mua sắm khổng lồ về đồ trang sức, thời trang không thua gì châu Âu. Mặt khác, công nghệ phim ảnh và các sàn giao dịch nghệ thuật cũng là một thế mạnh thu hút du khách.
Từ kinh nghiệm đó, không hoàn toàn rập khuôn, nhưng Đà Nẵng có thể tạo ra một sự hấp dẫn khác để tạo địa vị cho mình. Tôi chạnh nghĩ, bên cạnh Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng có thể xây dựng các loại bảo tàng nghề cá, bảo tàng hàng hải Đông Nam Á, bảo tàng văn minh lúa nước, bảo tàng trồng dâu nuôi tằm, bảo tàng tre, bảo tàng chiến tranh, bảo tàng Xứ Đàng Trong… bên cạnh các điểm tham quan, mua sắm. Đà Nẵng có thể mời các đạo diễn lớn, các diễn viên tên tuổi thế giới đến làm các phim truyện tạo ra thương hiệu, cỡ Em yêu Hội An, hay gần đây là Người cộng sự của Nhật mà cả người Thái và Nhật rất thích và nhiều người đã đến Hội An vì xem phim này… Chúng ta cũng có thể khôi phục các lễ hội và được dàn dựng công phu hơn như lễ hội Thần nông, Lễ cúng âm linh, cúng cá voi… để hấp dẫn du khách và gìn giữ truyền thống…
Tóm lại, bên cạnh các thế mạnh về môi trường đầu tư, môi trường tự nhiên, biển và hạ tầng phát triển, chính những dấu ấn về văn hóa đặc trưng, cá biệt sẽ nâng vị thế Đà Nẵng, chứ không phải những thứ khác!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG